Giá trị về nghệ thuật kiến trúc của hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Quần thể di tích Cố đô Huế - Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam

Thừa Thiên Huế sở hữu nhiều công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc, đó là quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới, bao gồm hệ thống các công trình kiến trúc của triều Nguyễn xây dựng trong khu vực kinh thành và ngoài kinh thành gồm: Kỳ đài, Ngọ Môn, Kinh Thành, Hoàng thành, Tử Cấm thành, điện Long An, điện Cần Chánh, Duyệt Thị đường, Quốc Tử Giám, Viện Cơ Mật, hồ Tịnh Tâm, lầu Tàng Thơ - hồ Học Hải, đình Phú Xuân, đàn Xã Tắc, các miếu thờ, các cung, các vườn ngự trong kinh thành; Phu Văn lâu, Thương Bạc, Nghênh Lương đình, đàn Nam Giao, cung An Định, Hổ Quyền, điện Voi Ré, điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu, Võ Miếu, lăng các vị vua Nguyễn, lăng các vị chúa Nguyễn, trấn Hải Thành, Hải Vân quan, hệ thống thủy đạo,… Mỗi công trình tiêu biểu cho vẻ đẹp kiến trúc cung đình Nguyễn đặc sắc, mang giá trị thời đại.

Trải qua thời gian và những biến thiên của lịch sử, diện mạo của kinh đô xưa vẫn được bảo tồn, lưu giữ với hàng trăm công trình nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa, vừa phong phú, đa dạng, phản ánh đặc trưng văn hóa Việt Nam. Giá trị của quần thể kiến trúc Cố đô Huế thể hiện sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc truyền thống Việt và tư tưởng triết lý phương Đông, có sự tiếp thu ảnh hưởng kiến trúc phương Tây. Giá trị của quần thể di tích phản ánh sự hài hòa giữa mỗi công trình kiến trúc trong tổng thể bố cục kinh thành, giữa yếu tố văn hóa và thiên nhiên, giữa yếu tố kiến trúc và phong thủy, vừa tạo nên những dấu ấn nghệ thuật kiến trúc riêng vừa mang giá trị, vẻ đẹp tiêu biểu cho nền kiến trúc Việt Nam đương thời, biểu tượng của nền quân chủ phong kiến Việt Nam.

Quần thể di tích Cố đô Huế hội tụ đủ các yếu tố theo tiêu chí số 4 của Công ước quốc tế 1972 là di sản văn hóa thế giới mang giá trị toàn cầu: “Quần thể kiến trúc tiêu biểu cho những thành quả nghệ thuật độc đáo, những kiệt tác do bàn tay con người tạo dựng. Có giá trị to lớn về kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật kiến trúc trong một kế hoạch phát triển đô thị hay một chương trình làm đẹp cảnh quan tại mọi khu vực văn hóa của thế giới. Một quần thể kiến trúc của một thời kỳ quan trọng. Kết hợp chặt chẽ với các sự kiện trọng đại, những tư tưởng hay tín ngưỡng có ảnh hưởng lớn hay với các danh nhân lịch sử”.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia: Làng di sản Phước Tích

Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, được công nhận làng di sản Quốc gia năm 2009, là 1 trong 4 ngôi làng cổ của Việt Nam. Làng cổ Phước Tích được thành lập năm 1470, nhiều giá trị truyền thống vẫn được lưu giữ một cách nguyên vẹn, phản ánh đặc trưng không gian và kiến trúc của làng quê Bắc Trung bộ. Giá trị tiêu biểu của làng cổ Phước Tích được phản ánh qua quần thể nhà rường cổ, hệ thống di tích, đình, chùa, miếu, nhà thờ, di tích văn hoá Chămpa,... trong đó, nghề thủ công làm gốm và hệ thống nhà rường là hai yếu tố tiêu biểu.

Giá trị độc đáo của làng cổ Phước Tích được phản ánh qua di sản nghề thủ công làm gốm có lịch sử lâu đời, hệ thống sản phẩm phong phú, thị trường tiêu thụ rộng lớn, “om ngự” (Ngọc Oa ngự dụng) được lựa chọn tiến cung dùng nấu cơm cho vua. Gốm Phước Tích mang đặc trưng riêng với phương pháp nung truyền thống, không phủ men, nhưng xương gốm mịn, không có hoa văn, lớp màu men tự nhiên hình thành trong quá trình nung “hỏa biến”. Đáng chú ý, với thị trường đi buôn bán khắp các tỉnh miền Trung, nghề gốm đã mang lại sự giàu có cho người dân, là điều kiện để xây dựng nên hệ thống nhà rường khang trang. Giá trị tiêu biểu của làng cổ Phước Tích là nghệ thuật kiến trúc phản ánh qua không gian ngôi làng và hệ thống nhà rường cổ phân bố tập trung, đa dạng (ba gian hai chái, một gian hai chái), bố cục chữ Đinh đặc trưng, trang trí nội thất tinh xảo, sang trọng. Các ngôi nhà rường cổ ở Phước Tích tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc gỗ được xây dựng vào thế kỷ XIX, gồm nhiều kiểu nhà thờ họ tộc, nhà ở, đình, chùa, miếu, đền thờ,… phản ánh sự hưng thịnh, phong quang của ngôi làng. Mỗi ngôi nhà rường ở Phước Tích còn thể hiện dấu ấn, cốt cách, tâm hồn của chủ nhân qua hệ hoa văn trang trí, cách bài trí nội thất, với các đồ gỗ gia dụng, đặc biệt là bố cục hài hòa giữa nhà và không gian vườn, tường rào, cổng ngõ, tạo nên một chỉnh thể, một phong cách đặc trưng của “nhà vườn Huế”. Giá trị đặc trưng của làng cổ Phước tích còn được phản ánh qua hệ thống di sản văn hóa phi vật thể gồm lễ hội, ẩm thực, diễn xướng, dân ca, phong tục tập quán... Phước tích có đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng phong phú, từ quy mô gia đình, họ tộc cho đến xóm, làng như lễ minh niên, tảo mộ, kỳ yên (Xuân tế), kỳ phước (Thu tế), Lễ kỵ ngài Khai canh và ngài Bổn nghệ, Lễ giỗ tổ các dòng họ,... Với những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và các giá trị văn hóa phong phú, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định công nhận Làng cổ Phước Tích là điểm du lịch của tỉnh.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia: Cầu ngói Thanh Toàn

Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia cầu ngói Thanh Toàn nằm ở xã Thủy Thanh được xây dựng năm 1776 do bà Trần Thị Đạo là người cháu của phu nhân một vị quan lớn triều vua Lê Hiển Tông. Giá trị kiến trúc nghệ thuật của di tích được thể hiện qua cấu trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo, kỹ thuật xây dựng kết hợp khung gỗ và hệ thống trụ đỡ bằng đá, thiết kế giống ngôi nhà 7 gian, mái lợp ngói ống tráng men. Giá trị của cầu ngói chính là cấu trúc “thượng gia hạ kiều” độc đáo và đa năng, cùng với các thiết chế truyền thống như đình, chùa, miếu, nhà thờ họ và chợ, đã tạo nên một bố cục không gian văn hóa làng quê điển hình. Giá trị của cầu ngói không chỉ được nhìn nhận trên góc độ nghệ thuật kiến trúc, chức năng sử dụng, mà còn là giá trị văn hóa của một không gian sinh hoạt cộng đồng. Cùng với các hoạt động tâm linh như lễ Thu tế, lễ giỗ Bà Cầu, là các hoạt động vui chơi, trò chơi dân gian, đua ghe, bài chòi, bịt mắt đập om, hò giã gạo,…

Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia: Đền, tháp Chămpa

Trong hệ thống các thành tố làm nên chân dung văn hóa vùng Thừa Thiên Huế không thể không kể đến sự hiện diện của các công trình kiến trúc, di sản văn hóa Chămpa, mang nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc,… cho dù hiện nay chỉ còn là phế tích hay huyền sử. Tiêu biểu nhất là hệ thống đền tháp Liễu Cốc, Linh Thái, Phú Diên,… Phế tích tháp Đôi Liễu Cốc ở thôn Bàu Tháp (Hương Trà), là một công trình tôn giáo độc đáo gồm tháp lớn và tháp nhỏ có giá trị nghệ thuật phản ánh đặc trưng kiến trúc Chămpa thế kỷ IX. Di tích tháp Phú Diên (Phú Vang) là một công trình khá đặc biệt được xây dựng nằm sát bờ biển, sâu dưới cát từ 5 - 7m, thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chămpa. Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Chămpa sớm nhất (thế kỷ VIII) còn lại ở khu vực miền Trung, không chỉ có giá trị về nghệ thuật kiến trúc mà cả khoa học, lịch sử, được ghi nhận là “tháp Chămpa cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”, “tháp Chămpa cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia: Phủ, đệ - nhà vườn

Cùng với các công trình kiến trúc lăng tẩm trầm mặc, hoàng thành cổ kính là các phủ đệ, những ngôi nhà vườn thanh bình góp phần làm nên “thành phố vườn Huế”, với sự phong phú về loại hình kiến trúc nhà rường và vườn (vườn nhà, vườn ngự, vườn lăng, vườn phủ đệ, vườn chùa,...) phân bố tập trung trong Kinh thành, vùng ven đô, dọc hai bờ sông Hương (vùng Long Hồ, Ngọc Hồ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Kim Long, Dương Xuân, Vĩ Dạ,...). Nhà vườn Huế với những nét đặc thù về giá trị văn hóa - lịch sử đã trở thành một di sản quan trọng của Huế. Nhà vườn Huế là sự kết hợp hoàn hảo giữa các đơn nguyên kiến trúc nhà rường, cổng ngõ, bể cạn, bình phong và không gian thiên nhiên gồm vườn cây, hoa, trái,... Nhà rường truyền thống làm bằng gồ, có cấu trúc một gian hai chái, ba gian hai chái, hay năm gian hai chái, được chạm khắc cầu kỳ, chủ đề phong phú, nội thất được bài trí hài hòa. Nhà vườn truyền thống luôn có bình phong và non bộ vừa mang ý nghĩa phong thủy vừa mang giá trị nghệ thuật trang trí, phản ánh đặc trưng mỹ thuật Huế. Giá trị kiến trúc cảnh quan của nhà vườn Huế thể hiện sự hài hòa giữa con người và kiến trúc, con người và cây cỏ, tạo nên tổng thể cân bằng giữa đời sống tinh thần và vật chất, mang giá trị triết lý nhân sinh. Nhà và vườn tạo nên một thế giới thu nhỏ trong không gian tĩnh lặng và an bình, ngôi nhà rường đóng vai trò trung tâm nhưng không chế ngự mà hài hòa trong bố cục tổng thể. Vườn nhà trồng đủ lại cây đáp ứng mọi nhu cầu cuộc sống như cây thực phẩm, đồ uống, tín ngưỡng, phong tục, gia vị, hương liệu, dược liệu, lá gói, chất đốt, nghệ thuật, vật liệu xây dựng, sinh hoạt,... Tiêu biểu trong hệ thống nhà vườn Huế là các kiến trúc phủ đệ của hoàng tử, công chúa và giới quý tộc Nguyễn. Phủ Tuy Lý Vương ở Vỹ Dạ là một trong những phủ đệ tiêu biểu được công nhận di tích cấp Quốc gia, không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc mà còn mang những giá trị về lịch sử văn hóa và văn học nghệ thuật gắn với cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của gắn với “ông hoàng thơ” triều Nguyễn - Tuy Lý Vương.

Di tích nghệ thuật kiến trúc Quốc gia: Các đình làng

Kiến trúc Huế phong phú, đa dạng với sự hiện diện của cả dòng kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian, từ cung điện, phủ đệ chốn kinh kỳ cho đến đình, miếu ở làng xã. Nếu hệ thống thành quách, cung điện và lăng tẩm đại diện cho kiến trúc cung đình, thì hệ thống đình, miếu, chùa là những giá trị kiến trúc tiêu biểu của dân gian các cộng đồng làng xã. Đình làng ở Huế có những giá trị tiêu biểu gắn với quá trình hình thành, phản ánh rõ nét đặc trưng của kiến trúc Huế, từ bố cục đến nội thất trang trí, từ thờ cúng đến thực hành. Đình làng Huế thường được xây dựng ở vị trí đầu làng, nơi địa thế nhìn ra sông nước và ruộng đồng thoáng đãng, hoà với cảnh quan chung. Đình ở Huế phổ biến lợp ngói âm dương, song cũng có nơi dùng ngói bản, trên các bờ nóc có đắp tứ linh, bộ vì kèo kết cấu theo kiểu nhà rường, chạm trổ đề tài rồng, mây, hoa cúc, vân xoắn, bát bửu,… Trong hệ thống di sản Quốc gia, đình làng Thừa Thiên Huế với những đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn, góp phần tôn vinh những giá trị nổi bật về kiến trúc nghệ thuật của làng xã dân gian, tiêu biểu như đình Thế Lại Thượng, đình Phú Xuân, đình Lại Thế, đình Quy Lai, đình Dạ Lê, đình Văn Xá, đình Thủ Lễ, đình An Truyền, đình Mỹ Lợi, đình và chùa làng Thủy Dương,…

Giá trị của di tích đình Phú Xuân là kiến trúc dân gian độc đáo, duy nhất có trong Kinh thành, gắn với địa danh lịch sử kinh đô Phú Xuân được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XV. Kiến trúc đình gồm có cổng tam quan, bình phong, đình họp và đình tế, nhà rường ba gian hai chái, cửa "thượng song hạ bản", nội thất trang trí họa tiết hoa lá cách điệu. Giá trị di tích đình Dạ Lê xây dựng năm 1826 là một tổng thể các công trình như hồ bán nguyệt, trụ biểu, bình phong, đại đình bố cục trên một trục thần đạo. Kiến trúc đình là nhà rường ba gian, cột kèo bằng gỗ, kết cấu hài hòa, mái lợp ngói liệt, trang trí “Lưỡng long chầu nguyệt”, bốn góc mái có biểu tượng “long hồi”, nội thất chạm khắc tỉ mỉ, các nghi môn, liên ba chạm khắc các họa tiết đặc trưng, tiêu biểu kiến trúc gỗ truyền thống, mang phong cách nhà rường Huế. Giá trị kiến trúc đình Thế Lại Thượng tiêu biểu cho đình làng Thừa Thiên Huế, tọa hướng Tây - Nam, trước là sông đào Đông Ba, la thành bao quanh, cổng tam quan có 4 trụ biểu cao lớn, câu đối đắp nổi, nội thất nhà rường ba gian hai chái được trang trí nhiều đề tài như tứ linh, hoa lá, Bát Bửu. Đình Lại Thế xây dựng năm 1741, là một trong những ngôi đình cổ ở Thừa Thiên Huế có giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, nổi bật là toà Ðại Ðình ba gian hai chái kép, kiểu “trùng thiềm điệp ốc", “kèo chồng” hay “vài chồng”, đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn, nội thất chạm khắc hoa văn trang trí mang giá trị nghệ thuật cao.

Cụm di tích kiến trúc nghệ thuật đình và chùa làng Thuỷ Dương ở thị xã Hương Thủy gồm đình, chùa làng Thuỷ Dương, chùa Đông Hải, chùa Nam Sơn mang phong cách kiến trúc triều Nguyễn. Giá trị di tích đình Quy Lai ở Phú Vang gắn với ngôi làng cổ Quy Lai, có kiến trúc đình mang nghệ thuật tiêu biểu thuộc dòng kiến trúc dân gian Nguyễn, được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XIX, đến nay đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Giá trị kiến trúc di tích đình Mỹ Lợi xây dựng năm 1669, theo phong cách kiến trúc dân gian triều Nguyễn, nhà rường ba gian hai chái, trang trí kiểu "nhất thi nhất hoạ", "tứ linh","long mã", "lưỡng long chầu nguyệt",… Di tích đình An Truyền có cấu trúc hình chữ Tam, chia làm ba phần tách biệt, gồm tiền đường, tiền tế và nội điện có nội thất chạm lộng kỳ công các linh vật như hổ phù, kỳ lân, chim phượng hoàng, hoa chanh,… Nổi bật là kiến trúc tiền đường 5 gian, cấu trúc kiểu cổ lầu hai tầng mái, gian giữa treo bức đại tự “Mỹ tục khả gia” chạm đầu rồng, cánh phượng, sơn son thếp vàng. Nhà nội điện nơi thờ tự chính gồm 7 án thờ có sập gỗ, hương án, câu đối chạm nổi khán thờ son son thếp vàng.

Đình làng Văn Xá ở thị xã Hương Trà là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, được xây dựng vào năm Ất Sửu (1865) dưới thời Tự Đức, được đánh giá là một trong số ít những ngôi đình bề thế và có giá trị kiến trúc tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế. Tổng thể kiến trúc đình Văn Xá gồm la thành, hồ bán nguyệt, cổng tam quan, bình phong, nhà bia, sân đình và đình. Nổi bật là kiến trúc cổng tam quan hình vòm cuốn, tầng mái đúc giả ngói âm dương, bình phong xây kiểu tổ ong, chính giữa có dựng nhà bia khắc nội dung về việc xây dựng và trùng tu đình, nội thất nhà rường Huế ba gian hai chái, hệ thống vì kèo được chạm trổ tinh vi, chủ đề phong phú như "Tứ linh”, “lưỡng long chầu nguyệt". Đình làng Thủ Lễ ở Quảng Điền là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia, gắn với ngôi làng được thành lập khá sớm ở xứ Thuận Hóa. Đình Thủ Lễ tiêu biểu cho lối kiến trúc Nguyễn, gồm 4 trụ biểu vuông cao lớn, nhà bia, hồ bán nguyệt, bình phong, đại đình là nhà rường 5 gian 2 chái, mái lợp ngói âm dương, nội thất tiền đường treo hoành phi, liễn và câu đối.

Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia: Các ngôi chùa

Bên cạnh những công trình kiến trúc cung đình lộng lẫy, những đình làng trầm mặc, còn có những ngôi chùa kiến trúc thâm nghiêm, cổ kính. Với số lượng lớn các ngôi chùa, Phật giáo có một vai trò quan trọng góp phần hình thành dòng văn hóa Phật giáo tiêu biểu cho bản sắc của văn hóa Huế. Di tích kiến trúc các ngôi chùa có nhiều đóng góp lớn vào nghiên cứu lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế trong dặm dài của kiến trúc Phật giáo Việt Nam.

Di tích kiến trúc nghệ thuật và thắng cảnh Quốc gia chùa Thiên Mụ là ngôi quốc tự có lịch sử lâu đời ở xứ Thuận Hóa nói riêng và Đàng Trong nói chung. Chùa Thiên Mụ là ngôi quốc tự lớn nhất dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, với kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, cảnh trí thơ mộng, hùng vĩ, xứng đáng là một danh lam của Việt Nam. Thắng cảnh chùa Thiên Mụ được xem “là cảnh đẹp bậc nhất của thiền lâm ở chốn Nam Hà” (Phan Huy Ích). Năm 1815, vua Gia Long đã cho dựng lại chùa Thiên Mụ, làm nên một diện mạo kiến trúc đặc trưng với cửa tam quan trên có lầu, bên trái là lầu chuông, bên phải lầu trống, hai tòa lục giác chứa đại hồng chung và bia lớn thời chúa Nguyễn Phúc Chu, chính giữa là Đại Hùng điện, sau lưng là Di Lặc và Quan Âm điện. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây thêm một số công trình, nổi bật nhất là tháp Phước Duyên thờ “Quá khứ thất Phật”, phía trước dựng đình Hương Nguyện,… Dưới thời Tự Đức, chùa được đổi thành “Linh Mụ Tự” khắc trên bức hoành sơn son thếp vàng treo trước nghi môn.

Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia chùa Giác Lương ở huyện Phong Điền được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng. Chùa tọa hướng Nam, có quy mô lớn hơn nhiều ngôi quốc tự ở Huế với cấu trúc la thành bao quanh, mặt trước xây trụ biểu, cổng Tam quan đồ sộ, trên có lầu. Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thánh Duyên ở huyện Phú Lộc là một trong những danh lam cổ tự bấc nhất xứ thần Kinh, được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Năm 1830, vua Minh Mạng xây dựng thêm một loạt công trình kiến trúc và đặt tên là “Thánh Duyên Tự”. Chùa ở nơi cảnh đẹp núi Thúy Vân, là thắng tích Thánh Duyên Tự được vua Thiệu Trị xếp vào “Hai mươi cảnh đẹp của đất Thần Kinh”. Hiện nay, qua nhiều đợt trùng tu, chùa Thánh Duyên đang dần khôi phục lại vóc dáng của ngôi cổ tự.