Ở Quảng Trị, hệ thống di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia và Quốc gia đặc biệt chủ yếu là những di tích gắn với cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Về hệ thống di tích Quốc gia đặc biệt có di tích “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”, di tích “Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972”, di tích “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh”, di tích “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” với 28 địa điểm di tích thành phần. Trong đó, có 08 di tích thuộc loại hình lịch sử - kiến trúc nghệ thuật và 20 di tích thuộc loại hình lịch sử; có 06 địa điểm được đưa vào tham quan gồm: Thành cổ Quảng Trị, bến sông Thạch Hãn (Bờ Nam và bờ Bắc), Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (huyện Vĩnh Linh và Gio Linh), địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh), cầu treo Bến Tắt, nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh).
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Thành cổ Quảng Trị và những điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972” là một hệ thống gồm 07 di tích thành phần: Thành cổ Quảng Trị, ngã ba và nhà thờ Long Hưng, nhà thờ Tri Bưu, trường Bồ Đề, chốt Long Quang, chốt Ngô Xá Tây, bến sông Thạch Hãn (nhà tưởng niệm, bến thả hoa, quảng trường Giải Phóng, tháp chuông Thành cổ ở bờ nam sông; đền tưởng niệm, bến thả hoa, tượng đài ở bờ bắc). Giá trị tiêu biểu về chính trị, quân sự của di tích thành cổ Quảng Trị gắn với thời kỳ quân chủ cho đến những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống Mỹ, về những tấm gương hy sinh anh dũng trong cuộc chiến đấu “81 ngày đêm lịch sử” giải phóng Quảng Trị năm 1972. Giá trị quân sự còn được thể hiện cụ thể ở các di tích thành phần là di tích bến đò ngang bên sông Thạch Hãn, chốt thép Long Quang, ngã ba cầu Ga, ngã ba Long Hưng, nhà thờ Long Hưng, nhà thờ Tri Bưu, trường Bồ Đề. Mỗi di tích là một cứ điểm chốt chặn, một vị trí tập kết, tiếp tế chiến lược trong hệ thống trận địa “chiến đấu 81 ngày đêm” của các đơn vị bộ đội chủ lực, quân giải phóng và dân quân du kích địa phương,… bảo vệ cầu Ga, cầu Thạch Hãn, quốc lộ 1A, giành giật sinh tử chặn đường địch tiến công, phản kích tái chiếm Quảng Trị, góp phần đứng vững của bộ đội ta trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt .
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” là một hệ thống gồm 06 địa điểm di tích thành phần: Khu vực hai bên bờ của cầu Hiền Lương, đồn công an Cửa Tùng, bến đò Cửa Tùng, bến đò Tùng Luật, bến đò Luỹ, bến đò Thượng Đông và Dục Đức. Giá trị tiêu biểu của di tích “Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải” không chỉ về mặt quân sự gắn với các trận đánh oanh liệt, mà còn về mặt chính trị “chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước”, nơi ghi dấu cuộc đấu tranh bền bỉ của dân tộc ta trong sự nghiệp thống nhất nước nhà. Di tích mang giá trị minh chứng về một thời kỳ chia cắt đầy đau thương, ghi dấu cuộc chiến đấu đầy cam go nhưng hết sức anh dũng của lực lượng vũ trang bảo vệ giới tuyến với tinh thần bất diệt "Nam Bắc là một nhà. Bắc Nam là ruột thịt".
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” là một hệ thống gồm nhiều di tích thành phần: Cầu treo Bến Tắt, nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, cầu treo Đakrông, khe Hó, Sở chỉ huy Bộ tư lệnh 559, cảng quân sự Đông Hà, bến thuyền làng Mai Xá. Giá trị tiêu biểu về mặt chính trị và quân sự của di tích “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh” được thể hiện qua các di tích cụ thể. Di tích cầu treo Bến Tắt bắc qua thượng nguồn sông Bến Hải có vai trò nhanh chóng đưa hàng hóa, vũ khí và cơ động lực lượng vào tham gia chiến dịch tấn công, nổi dậy mùa xuân năm 1975. Di tích cầu treo Đakrông là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Trường Sơn, nơi ghi dấu các sự kiện, những thành tích, chiến công vẻ vang và sự hy sinh gian khổ của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến,… giữ vững mạch nối giữa hậu miền Bắc với chiến trường miền Nam, chi viện sức người, sức của. Di tích khe Hó có vai trò là con đường gùi thồ ra đời sớm nhất, nơi cắm mốc đặt trạm đầu tiên từ tháng 5/1959 góp phần hình thành hệ thống giao thông vĩ đại - đường Trường Sơn. Di tích Sở Chỉ huy Bộ tư lệnh 559 mang giá trị của một địa điểm lịch sử là trụ sở họp bàn và ra quyết định lịch sử về chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh gồm Văn Tiến Dũng, Lê Ngọc Hiền, Phùng Thế Tài, Ðồng Sỹ Nguyên,...
Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt “Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh” là một hệ thống gồm 08 di tích thành phần: Địa đạo Vịnh Mốc, địa đạo Hiền Dũng, địa đạo Hương Nam, địa đạo Troong Môn - Cửa Hang, địa đạo Thôn Roọc và các địa đạo Hải quân, địa đạo Mũi Si, địa đạo 61, địa đạo Hải quân. Giá trị quân sự của di tích được phản ánh vai trò trong “tuyến lửa” Vĩnh Linh, nơi hàng ngày, hàng giờ đế quốc Mỹ đánh phá với đủ loại bom đạn hủy diệt man rợ và tàn khốc Di tích địa đạo Vĩnh Mốc là biểu tượng thể hiện ý chí “'Một tấc không đi, một ly không rời”, sự sáng tạo nên một công trình đồ sộ, độc đáo của quân dân nơi đây.
Di tích lịch sử Quốc gia căn cứ Tân Sở ở huyện Cam Lộ là một di tích mang nhiều giá trị tiêu biểu về khảo cổ học và quân sự, là thành lũy cuối cùng của triều đại phong kiến nhà Nguyễn. Giá trị quân sự của di tích gắn với nhiều sự kiện quan trọng trong phong trào Cần Vương chống Pháp đầu thế kỷ XX của nhà Nguyễn. Thành Tân Sở được xây dựng năm 1833, mang giá trị nghệ thuật kiến trúc quân sự với cấu trúc 2 vòng thành, thành Nội có Ngọ môn dành cho vua và các quan. Tại di tích Tân Sở, ngày 13/7/1885, Tôn Thất Thuyết thay mặt vua Hàm Nghi ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân “cần vương” đánh Pháp. Giá trị quân sự của di tích Tân Sở còn được phản ánh qua vai trò công trình thành lũy quân sự dã chiến, căn cứ phòng bị cho kinh thành khi thất thủ, trung tâm đầu não lãnh đạo phong trào Cần Vương.
Di tích lịch sử Quốc gia chiến khu Ba Lòng là một thung lũng rộng lớn dọc theo thượng nguồn sông Thạch Hãn, có nhiều điều kiện đảm bảo tự cấp tự túc về lương thực, có vị trí thuận tiện liên lạc với lực lượng kháng chiến ba tỉnh Bình Trị Thiên. Giá trị chính trị quân sự của chiến khu Ba Lòng phản ánh trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1947 - 1954), là nơi đứng chân của bộ đội, là trung tâm lãnh đạo kháng chiến, nơi diễn ra các đại hội, hội nghị, cuộc họp có tính chất quyết định về những đường lối, chủ trương của Liên khu IV và Tỉnh ủy Bình Trị Thiên.
Di tích lịch sử Quốc gia “Nhà tù Lao Bảo” được thực dân Pháp xây dựng năm 1908, để giam giữ những người yêu nước theo phong trào Cần Vương. Vào thời Nguyễn, đây là một đồn trấn thủ ở ải biên thùy phía Tây của lãnh thổ Đại Nam. Trong thời kỳ kháng chiến đầu thế kỷ XX, Lao Bao là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương được thực dân Pháp dùng giam giữ các chiến sĩ cộng sản. Trong những năm 1960, Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đã biến nơi đây trở thành một cơ sở cách mạng trong Chiến dịch đường 9 - Khe Sanh.
Di tích lịch sử Quốc gia “Dốc Miếu và Cồn Tiên” có giá trị quân sự tiêu biểu về nơi ghi dấu chiến thắng vang dội của quân đội ta đối với hai cứ điểm quân sự chiến lược trong tuyến phòng thủ “Hàng rào điện tử Mc. Namara” trải dài từ bờ biển lên đến biên giới Việt-Lào. Giá trị quân sự của di tích Dốc Miếu và Cồn Tiên là “chiến thắng góp phần đánh tan 2 cứ điểm trọng yếu”, từng bước vô hiệu hóa tuyến phòng thủ chiến lược của đế quốc Mỹ, góp sức cho chiến dịch tiến công nổi dậy mùa xuân năm 1972 thắng lợi.
Di tích lịch sử Quốc gia “Sân bay Tà Cơn” có giá trị quân sự về chiến thắng lịch sử của quân đội ta đối với một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968. Vai trò quân sự của sân bay Tà Cơn gắn với việc xây dựng một tập đoàn phòng ngự liên hoàn và kiên cố gồm Làng Vây - Chi khu quân sự Hướng Hóa, tạo thành cứ điểm Khe Sanh là trung tâm của hệ thống thống phòng thủ chiến lược - hàng rào điện tử McNamara. Đế quốc Mỹ sử dụng sân bay Tà Cơn để tìm và diệt bộ đội chủ lực của ta, chỉ điểm đánh phá cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.
Di tích lịch sử Quốc gia “Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam” nằm ở thị trấn Cam Lộ, là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho cách mạng miền Nam từ tháng 6/1973 đến tháng 5/1975. Giá trị chính trị tiêu biểu của di tích là không chỉ là địa điểm đặt trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam (ngày 6-8/6/1969) mà còn khẳng định chủ quyền, là tổ chức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, đại diện cho nguyện vọng, ý chí của toàn thể nhân dân miền Nam, mang nhiều giá trị về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, về khát vọng độc lập, thống nhất.