Đặc điểm địa chất, địa chất thuỷ văn và địa chất công trình đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận

1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT

Lịch sử hình thành đầm phá Tam Giang - Cầu Hai gồm 2 giai đoạn có tuổi từ Holocen hạ (Q21) đến Holocen thượng (Q23) và do đó, cấu trúc địa tầng Đệ tứ của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận được cấu tạo bởi các thành tạo có tuổi tương ứng như sau. Sơ đồ địa chất và mặt cắt địa chất phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận được thể hiện trong Hình 1 và 2.

Hình 1. Sơ đồ địa chất vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận tỷ lệ 1/50.000 (Theo Bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 tờ Huế [10, 11]).

Hình 2. Mặt cắt địa chất tuyến A-A’ cắt qua vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai [11]

1.1. Hệ Đệ tứ, thống Holocen, phụ thống dưới - giữa

Hệ tầng Phú Bài (Q21-2pb)

Được Phạm Huy Thông và Vũ Quang Lân xếp vào hệ tầng Phú Bài năm 1997 để mô tả các trầm tích đa nguồn gốc Holocen hạ - trung (Q21-2pb). Hệ tầng này gồm có các dạng nguồn gốc sau: sông (a), sông-biển (am), sông-biển-đầm lầy (amb), biển sông (ma), biển (m) và biển gió (mv). Chúng tạo nên những đụn hẹp ở ven rìa đồng bằng tạo nên thềm bậc I và bị các trầm tích trẻ phủ lên. Các trầm tích của hệ tầng lộ khá rộng rãi ở Phong Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, Hải Lăng, Triệu Phong,... (Hình 1 và 2). Ngoài ra, còn gặp trong các lỗ khoan ở độ khoan ở độ sâu 49,4 - 1,2 m. Bề dày hệ tầng 1 - 44,2 m.

- Trầm tích sông (aQ21-2pb): Trầm tích này phân bố dọc theo các con sông, bắt gặp trong các lỗ khoan. Đặc trưng cho thành tạo này bao gồm các lớp trầm tích sau:

  • Lớp 1: cuội, sỏi, cát, bột, sét màu xám, xám vàng, vàng sẫm. Dày 2m;
  • Lớp 2: cát hạt trung, thô lẫn bột, sạn sỏi màu xám vàng, vàng sẫm. Dày 0,5-1,5m. Bề dày chung 2,5-3,5m.

- Trầm tích sông - biển (amQ21-2pb): có diện phân bố rộng hơn trầm tích sông, lộ rải rác ở ven rìa đồng bằng, còn chủ yếu chúng chìm sâu dần từ rìa ĐB ra biển (độ sâu gặp từ 1-41,6m), bề dày thay đổi 3,5-22,4m. Chúng nằm phủ trực tiếp trên đá gốc hệ tầng Phú Xuân và chuyển tiếp ở trầm tích sông cùng tuổi. Đặc điểm của trầm tích sông biển bao gồm các lớp:

  • Lớp 1 (9-7,5m): bột, cát lẫn nhiều dăm sạn thạch anh. Dày 1,5m;
  • Lớp 2 (7,5-2m): bột, bột cát, bột sét, cát hạt mịn màu xám xanh, xám đen lẫn ít sạn thạch anh hạt nhỏ. Dày 5,5m;
  • Lớp 3 (2-0m): sét bột lẫn cát, ít sạn màu xám vàng, xám nâu. Dày 2m.

Bề dày tổng cộng 9m.

- Trầm tích sông-biển-đầm lầy (ambQ21-2pb): trầm tích này có diện lộ hẹp ở khu vực Phú Bài còn lại chỉ bắt gặp trong các hố khoan sâu. Đặc điểm thạch học của trầm tích sông - biển - đầm lầy bao gồm các lớp sau:

  • Lớp 1: sét bột pha cát màu xám xanh, xanh đen, có bề dày 1m;
  • Lớp 2: cát bột lẫn mùn thực vật màu xám, xám sẫm, xám đen, đôi chỗ bị phong hóa khá mạnh tạo màu cà phê, bề dày 0.8m.

Bề dày chung là 1.8m và chuyển tiếp lên tầng cát trắng thuộc phân hệ tầng trên. Ngoài ra, trong các lỗ khoan ở độ sâu từ 22-36,3m là bột sét xen các lớp cát bột màu xám đen, xám nâu, xám phớt xanh lẫn nhiều vỏ sò và nhiều di tích thực vật đã phân hủy.

- Trầm tích biển-sông (maQ21-2pb): trầm tích này lộ ở khu vực Phong Sơn, Văn Xá, Hương Chữ, Hương Hồ, tạo nên thềm bậc I có bề mặt bằng phẳng, cao độ  4-6m. Từ rìa ĐB ra biển, chúng chìm sâu dần và có diện tích phân bố mở rộng trong lưu vực các sông Hương, Bồ với thành phần thạch học bao gồm bột sét lẫn cát màu xám nâu, nâu vàng có chứa bào tử phấn hoa, dày 2,5m. Trầm tích nguồn gốc này được chuyển tiếp từ trầm tích sông-biển-đầm lầy của phân hệ tầng dưới và chuyển lên trên là trầm tích hệ tầng Phú Vang.

- Trầm tích biển (mQ21-2pb): trầm tích biển thuộc hệ tầng Phú Bài có diện phân bố rộng rãi ở Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Bài với đặc điểm thạch học: nằm chuyển tướng trên lớp sét bột màu xám xanh, xám ghi mềm dẻo của trầm tích sông biển cùng hệ tầng là cát hạt nhỏ, hạt trung lẫn ít sạn màu xám trắng với bề dày 9m. Ngoài ra, trầm tích có nguồn gốc biển còn xuất hiện trong các lỗ khoan bao gồm các lớp:

  • Lớp 1 (17,2-12,4m): cát hạt trung-hạt nhỏ lẫn, sạn thạch anh màu xám, xám trắng, đôi chỗ xám phớt xanh, dày 8m;
  • Lớp 2 (12,4-5,4m): cát hạt nhỏ, hạt trung lẫn sạn thạch anh, bột màu xám, xám trắng. Bề dày 7m.

- Trầm tích biển-gió (mvQ21-2pb): trầm tích biển-gió phân bố thành dải, cồn cát không liên tục trên trầm tích cùng tuổi, chúng phân bố ở khu vực Phong Hiền, Phong Thu trên địa hình đồi cao (10-13m) không bằng phẳng. Đặc trưng là cát thạch anh hạt trung-hạt nhỏ màu trắng, độ chọn lọc và mài tròn tốt và bề dày khoảng một vài mét.

1.2. Hệ Đệ tứ, thống Holocen, phụ thống giữa - trên

Hệ tầng Phú Vang (Q22-3pv)

Được Phạm Huy Thông [10] để phân chia các trầm tích Holocen trung thượng ở đồng bằng Huế. Hệ tầng Phú Vang (Q22-3pv) sau đó được mở rộng phạm vi sử dụng ra toàn bộ ĐB Bình Trị Thiên. Nét đặc trưng là trầm tích đa nguồn gốc, mỗi nguồn gốc phân bố trên một dạng địa hình khác nhau tạo nên tính đa dạng của bề mặt đồng bằng. Chúng chuyển tướng từ rìa ĐB ra biển và bề dày trầm tích có xu hướng tăng về phía cửa sông (Hình 3.1 và 3.2). Bao gồm:

- Trầm tích sông-lũ (apQ22-3 pv): phân bố ở ven rìa ĐB dọc theo các con suối nhỏ. Diện phân bố hẹp, độ cao 2-4m. Thành phần thạch học hỗn tạp gồm: cuội tảng đa khoáng; cát, bột, sét màu nâu vàng, nâu xám. Bề dày > 1,5m.

- Trầm tích sông (aQ22-3 pv): phân bố thành dải hẹp ở ven các sông Bồ, Ô Lâu tạo nên bãi bồi có độ cao 0,5-3,5m, với đặc điểm thạch học đặc trưng:

  • Lớp 1 (2,5-1,4m): cát bột lẫn sạn màu vàng, màu nâu, có thấu kính sạn sỏi thạch anh, silic, dài 3m, dày 5-10cm, bề dày 1,1m;
  • Lớp 2 (1,4-0m): bột, cát, sét màu vàng nâu, bở rời, ở độ sâu khoảng 1,2m có thấu kính sạn sỏi thạch anh dài 2m, dày 5-10cm; bề dày 1,1m.

Bề dày mặt cắt 2,5m, trong mặt cắt này chưa rõ quan hệ dưới.

- Trầm tích sông-biển (amQ22-3 pv):  diện phân bố rộng, lộ ở khu vực Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy, tạo nên địa hình bằng phẳng, cao 1,5-3m. Thành phần chủ yếu là  cát pha,  sét pha và đất hữu cơ màu xám xanh, xám vàng, dày từ 3 đến 14m.  Hai bên đầm Thanh Lam thành phần trầm tích là cát sạn lẫn bụi màu xám đến xám vàng. Thành tạo này phủ trực tiếp trên các trầm tích cổ hơn và bị phủ  bởi các trầm tích Holocen thượng.

- Trầm tích sông-biển-đầm lầy (ambQ22-3 pv), có 2 kiểu mặt cắt:

+ Kiểu mặt cắt chứa than bùn: phân bố ở các huyện Phong Điền, Hải Lăng, trong các bàu đang được ngọt hóa nằm giữa các trảng cát. Đây là những dải địa hình hẹp, kéo dài từ Đông Nam đến Tây Bắc, bề mặt khá bằng phẳng và thấp hơn bề mặt trảng cát từ 1-3m. Bề dày trầm tích 3,5-5,2m. Thành phần trầm tích của kiểu mặt cắt này gồm 2 lớp, từ dưới lên:

  • Lớp 1: phủ trực tiếp trên tầng cát hệ tầng Phú Bài, là than bùn màu đen, nâu đen gồm thân rễ lá thực vật và đang phân hủy, có chứa bào tử phấn hoa. Đây là tầng than bùn công nghiệp. Dày 2-4,2m;
  • Lớp 2: cát lẫn than bùn và rễ cây còn tươi, màu xám, xám đen. Dày 0,5m.

+ Kiểu mặt cắt chứa sét xi măng: phân bố ven theo bờ phải sông Đại Giang thuộc xã Thủy Phương, trên diện tích nhỏ. Thành phần trầm tích của kiểu mặt cắt này gồm 4 lớp từ dưới lên:

  • Lớp 1: sét mịn màu đen, lẫn cát và chứa vỏ sò hến. Dày 0,5-1,1m;
  • Lớp 2: sét mịn màu nâu đen, đôi chỗ lẫn ít cát hạt nhỏ. Dày 0,5-2,5m;
  • Lớp 3: sét bột mịn, dẻo quánh màu xám vàng, xám nâu, xám sáng. Dày 0,4-1,1m;
  • Lớp 4:  sét pha cát màu xám đen lẫn mùn thực vật được sử dụng làm lớp đất trống. Dày 0,2-0,3m.

- Trầm tích biển-sông (maQ22-3 pv): phân bố ở hai bên phá Tam Giang và đầm Thanh Lam, trên địa hình bằng phẳng, cao 1-2m. Trầm tích chủ yếu là cát hạt trung-hạt nhỏ lẫn bột, ít sạn thạch anh màu xám, xám trắng đến xám vàng, phần trên lẫn mùn thực vật. Trong trầm tích này có chứa vi cổ sinh và bào tử phấn hoa.

- Trầm tích biển (mQ22-3 pv): phân bố thành dải cao, khá bằng phẳng dọc theo bờ biển từ nam Cửa Tùng đến cửa Tư Hiền, với đặc điểm trầm tích đặc trưng là nằm chuyển tiếp trên trầm tích biển thuộc hệ tầng Phú Bài là lớp cát, cát lẫn ít bột, phần trên màu xám trắng, xuống dưới nâu vàng, nâu nhạt, bề dày 6,5m.

- Trầm tích sông-đầm lầy (abQ22-3 pv): phân bố rải rác ở Văn Xá, Phong Sơn. Trong những dải địa hình trũng, hẹp và kéo dài là vết tích của các lòng sông cổ. Thành phần trầm tích gồm bột cát màu xám, xám đen lẫn ít di tích thực vật màu đen và chứa vài dạng bào tử phấn hoa, dày 2,8m.

- Trầm tích biển-sông-đầm lầy (mabQ22-3 pv): phân bố dọc theo hai bên phá Tam Giang và đầm Thanh Lam, phần lớn diện tích thường xuyên bị ngập nước, với đặc điểm trầm tích: chúng nằm chuyển tiếp trên trầm tích biển sông của phân hệ tầng dưới là cát hạt mịn lẫn ít bột màu xám đen, bở rời, phần trên lẫn di tích thực vật trong đó có chứa vài dạng bào tử phấn hoa, bề dày 2.8m.

- Trầm tích biển (mQ22-3 pv): phân bố dọc theo bờ biển từ phía Bắc đến Nam đồng bằng, tạo nên bãi cát bằng phẳng có bề ngang 40-70m. Bề dày chung > 1,5m. Đây là tầng trầm tích liên quan với sa khoáng Ilmenit, với đặc điểm trầm tích phân bố như sau:

  • Lớp 1 (1,5-0,3m): gồm các lớp cát màu xám vàng xen các lớp cát xám đen;
  • Lớp 2 (0,3-0m): cát hạt nhỏ-hạt trung màu xám vàng, vàng nhạt.

- Trầm tích biển-gió (mvQ22-3 pv) phân bố trên địa hình nổi cao (độ cao 8-30m), dạng dải, bề mặt không bằng phẳng, có nhiều đụn, gờ, kéo dài theo bờ biển từ Cửa Tùng đến cửa Tư Hiền. Đặc điểm trầm tích của thành tạo này phủ tràn không liên tục trên lớp cát trắng nguồn gốc biển thuộc hệ tầng Phú Bài. Đây là tầng trầm tích liên quan với sa khoáng ilmenit. Bề dày từ 4-8,6m.

1.3. Holocen thượng (Q23)

Trầm tích Holocen thượng chiếm diện tích nhỏ, phân bố dọc theo các thung lũng sông suối và đồng bằng ven biển, là trầm tích trẻ nhất trong khu vực nghiên cứu. Chúng có nhiều loại nguồn gốc thành tạo khác nhau: Trầm tích sông (aQ23), trầm tích sông - biển (amQ23), trầm tích biển (mQ23), trầm tích biển- gió (mvQ23), trầm tích hồ-đầm lầy (lbQ23). Chiều dày của các trầm tích này nhỏ từ 1-1,5m (Hình 1 và 2).

Như vậy, đặc điểm chung của trầm tích Holocen cũng như trầm tích Đệ tứ trong vùng là đa nguồn gốc và chúng chuyển tướng từ rìa đồng bằng ra biển, có chiều ngang hẹp và hầu như không có vùng chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng nên sự chuyển tướng trầm tích thường nhanh, nhiều khi đột ngột và rất phức tạp, vì thế bề dày trầm tích thay đổi nhanh từ vài mét đến hàng trăm mét.

2. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT THỦY VĂN

Trong vùng nghiên cứu có rất nhiều tầng chứa nước khác nhau, tuy nhiên liên quan nhiều nhất đến các trầm tích nghiên cứu là tầng chứa nước Holocen. Tầng chứa nước này phân bố rộng khắp vùng đồng bằng TTH nói chung và đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nói riêng. Thành phần thạch học của chúng khá đa dạng phụ thuộc vào nguồn gốc với thành phần từ hạt thô đến hạt mịn bao gồm cuội, sỏi, cát, bột, sét, vật chất hữu cơ. Tổng chiều dày chung của tầng ở vùng biến đổi từ 5 - 51 m, trung bình 20 - 30 m [11, 14]. Dựa vào bản đồ địa chất tỉ lệ 1:50.000 tờ Huế, sơ đồ địa chất thủy văn tỉ lệ 1:50.000 cho vùng nghiên cứu được tham khảo và trình bày trong Hình 3.

Hình 3. Sơ đồ địa chất thuỷ văn vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận tỷ lệ 1/50.000 (Theo Bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 tờ Huế [10, 11]).

2.1. Các thành tạo trầm tích có mức độ chứa nước giàu

Bao gồm trầm tích nguồn gốc sông (aQ21-2pb); thành phần thạch học chủ yếu là cuội, sỏi, cát, bột, sét; chiều dày biến đổi từ 2,5-3,5m. Trầm tích nguồn gốc sông - lũ (apQ22-3pv) với thành phần thạch học chủ yếu là cuội tảng đa khoáng, cát, bột sét; chiều dày >1,5m. Trầm tích nguồn gốc sông - biển (amQ22-3pv); thành phần chủ yếu là cát, bột; bề dày 10-16m. Trầm tích nguồn gốc biển - sông (maQ22-3pv) với thành phần chủ yếu là cát hạt trung lẫn ít sạn; bề dày 13-17m.

Trong vùng nghiên cứu, nước dưới đất khá phong phú. Tuy nhiên, một số nơi, trong trầm tích nguồn gốc sông - biển (amQ22-3pv) có mức độ chứa nước không đồng nhất, biến đổi từ trung bình đến nghèo. Lưu lượng các lỗ khoan Q = 2,40-7,95l/s. Tỷ lưu lượng q = 0,70-6,46l/s.m. Hệ số thấm K = 4,67-45,11m/ng. Hệ số nhả nước µ = 0,15-0,20. Về tính chất thuỷ lực nước thuộc loại không áp. Mực nước tĩnh thay đổi từ 0,43 - 3,85 m, phụ thuộc vào bề mặt địa hình và điều kiện thế nằm. Nước vận động chủ yếu theo hướng tây - đông và gần trùng với phương của dòng mặt. Nước thuộc loại siêu nhạt đến nhạt. Tuy nhiên, một số nơi khoáng hoá nước tăng lên và chuyển sang dạng nước lợ, nước mặn với độ tổng khoáng hoá M = 0,03-0,89 g/l. Độ pH = 7 - 8,5. Loại hình hoá học chủ yếu là bicacbonat - clorua hoặc clorua - bicacbonat.

2.2. Các thành tạo trầm tích có mức độ chứa nước trung bình

Bao gồm trầm tích sông (aQ22-3pv, aQ23); thành phần chủ yếu là cát, bột lẫn sạn, sét; bề dày > 1,5m. Trầm tích sông - biển (amQ23) có thành phần chủ yếu là cát, bột, sét lẫn sạn. Bề dày >2m. Trầm tích biển - sông (maQ21-2pb) có thành phần chủ yếu là cát, bột, sét; bề dày >2,5m. Trầm tích biển - gió (mvQ21-2pb, mvQ22-3pv, mvQ23) có thành phần thạch học là cát thạch anh hạt mịn, mài tròn, chọn lọc tốt. Chiều dày trầm tích biến đổi từ 8-9m.

Nước dưới đất tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Mức độ phong phú nước thuộc loại trung bình, ở một số nơi thuộc loại tương đối giàu nước. Lưu lượng các lỗ khoan Q = 1,54 - 5,56l/s. Tỷ lưu lượng q = 0,21 - 0,57l/s.m. Hệ số thấm K = 1,25 - 2,71 m/ng. Nước thuộc loại không áp. Mực nước tĩnh thay đổi từ 0,70-8,50m, phụ thuộc vào bề mặt địa hình và điều kiện thế nằm. Nước vận động chủ yếu theo hướng tây - đông và gần trùng với phương của dòng mặt. Nước thuộc loại nước nhạt, tuy nhiên một số nơi độ khoáng hoá nước tăng lên và chuyển sang dạng nước lợ với độ tổng khoáng hoá M = 0,06 - 0,88 g/l. Độ pH = 7,16 - 7,62. Loại hình hoá học chủ yếu là bicacbonat - clorua hoặc clorua - bicacbonat.

2.3. Các thành tạo trầm tích có mức độ chứa nước nghèo

Bao gồm chủ yếu là trầm tích nguồn gốc sông-đầm lầy (abQ22-3pv), thành phần thạch học chủ yếu là bột, sét, lẫn ít cát, bề dày 2,8m. Trầm tích ambQ22-3pv có thành phần thạch học chủ yếu là bột, sét lẫn cát. Bề dày 1,8-2,5m. Trầm tích mabQ22-3pv có thành phần thạch học chủ yếu là cát hạt mịn lẫn bột, sét. Bề dày khoảng 2,8m. Trầm tích hồ-đầm lầy (lbQ23) thành phần thạch học chủ yếu là bột, sét; bề dày 2,5m.

Nước dưới đất tồn tại và vận động trong các lỗ hổng của đất đá. Qua nghiên cứu thành phần thạch học tồn tại trong các trầm tích này cho thấy: tính chất thấm và chứa nước kém, thuộc loại nghèo nước. Về tính chất thuỷ lực nước thuộc loại không áp. Mực nước tĩnh thay đổi từ 1,10-1,50m, phụ thuộc vào bề mặt địa hình và điều kiện thế nằm. Nước vận động chủ yếu theo hướng Tây-Đông và gần trùng với phương của dòng mặt. Nước thuộc loại nước nhạt, tuy nhiên một số nơi độ khoáng hoá nước tăng lên và chuyển sang dạng nước lợ.

3. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA CHẤT CÔNG TRÌNH

Trên cơ sở bản đồ địa chất và khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 đã được Phạm Huy Thông [10] thành lập vào năm 1997 tờ Huế kết hợp với tài liệu, số liệu khảo sát của nhiều công trình khác nhau với độ sâu khoan khảo sát và lấy mẫu từ 20 m đến 50 m, Hoàng Thị Sinh Hương [11] đã thành lập sơ đồ và mặt cắt địa chất công trình đồng bằng Thừa Thiên Huế trong đó có đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, thể hiện đặc điểm phân bố các thành tạo tuổi Đệ tứ nói chung, chú trọng đất loại sét yếu tuổi Holocen nói riêng, được cắt chụp và trình bày trong Hình 4 và 5 cùng với đặc điểm độ sâu phân bố ở vùng đồng bằng Thừa Thiên Huế trong các Hình 6 và 7.

Hình 4. Sơ đồ địa chất công trình vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cận tỷ lệ 1/50.000 (Theo Bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 tờ Huế [10, 11]).

Hình 5. Mặt cắt địa chất công trình theo tuyến A-A’ qua đầm phá Tam Giang - Cầu Hai [11].

Hình 6. Đặc điểm độ sâu phân bố trầm tích ambQ22-3pv đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cần [11].

Hình 7. Đặc điểm độ sâu phân bố trầm tích ambQ21-2pb đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng phụ cần [11].

3.1. Các thành tạo đất yếu hệ tầng Phú Vang ambQ22-3pv

Đất yếu của hệ tầng lộ ra trên các trảng cát ở Phong Điền, ở độ sâu từ 1 - 2 m trở xuống, hầu hết bị phủ bởi lớp phủ mỏng: hai bên bờ sông Hương, sông Đại Giang (Hương Thủy), thành phố Huế (khách sạn Century, Hải Quan Huế), Tân Mỹ - Phú Vang, Tam Giang-Cầu Hai, Cầu Như Ý, … Chiều sâu phân bố cũng như bề dày biến đổi phức tạp, không có quy luật. Đáy tầng đất yếu phổ biến là đất dính, chỉ ở khu vực Tam Giang - Cầu Hai là đất rời (Hình 3 - 6).

3.2. Các đất loại sét yếu hệ tầng Phú Bài (ambQ21-2pb)

Trong vùng đồng bằng TTH từ Phú Lộc đến Huế - Phú Vang - Quảng Điền và Phong Điền: đất yếu của hệ tầng không lộ ra trên mặt mà bị phủ từ 1 đến 2 lớp đất khác. Bề dày đất yếu biến đổi phức tạp; từ thành phố Huế đến Quảng Điền - Phong Điền bề dày đất yếu tăng dần, lớn nhất có thể đạt xấp xỉ 30m. Dưới tầng đất yếu thường là đất rời. Các thành tạo này có thể mô tả chi tiết như sau: đất yếu hệ tầng Phú Bài chỉ lộ ra trên mặt ở khu vực Phú Bài với chiều dày dao động từ 1,8m. Ở Quảng Điền,  đất yếu ambQ21-2pb gặp ở độ sâu từ 4m (Quảng Phước, Quảng Phú) đến 10m (Quảng Lợi, Quảng Vinh) trở xuống, chiều sâu đáy hệ tầng dao động trong khoảng từ 11m (Quảng Phú) đến 16m (Quảng Vinh). Ở thành phố Đông Hà, Huế và huyện Hương Sơn: gặp đất yếu ambQ21-2pb ở độ sâu 7-10m trở xuống. Chiều sâu đáy tầng đất yếu dao động trong khoảng từ 8-21m (ở các khu vực sông Hiếu, Triệu Đại, Hải Thọ, Hải Thiện, Hương Sơn, Nam Sông Hương, Nam Vĩ Dạ và một ít ở khu vực Bắc sông Hương) và đến độ sâu đến 15-30m (ở các khu vực Thành nội, Bãi Dâu, Nam sông Hương, Vĩ Dạ).

Ở khu vực Phú Vang, thành tạo đất yếu ambQ21-2pb phân bố ở ở độ sâu từ 6m đến 8-10m trở xuống, chiều sâu đáy tầng đất yếu lớn hơn 30m (Tân Mỹ).

Ở khu vực Phú Lộc (Phú Bài, Lộc Điền, Lộc Trì, Vinh Thái): gặp đất yếu ambQ21-2pb ở độ sâu từ 4-5m, chiều sâu đáy tầng dao động trong khoảng 8-15m (Phú Bài).


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trần Đức Thạnh, Trần Đình Lân, Nguyễn Hữu Cử, Đinh Văn Huy (2010). Tiến hóa và động lực hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, 215 trang.
2. Nichols M and Allen G. (1981). Sedimentary process in coastal lagoons. In: Coastal lagoon research, present and future. UNESCO Technical paper in marine science, No. 33, page 27-80.
3. Nguyễn Hữu Cử (1996). Đặc điểm địa chất hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên - Huế) trong Holocen và phức hệ trùng lỗ chứa trong chúng. Luận án phó Tiến sĩ, Hà Nội.
4. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế – Chiến lược Quản lý Tổng hợp Vùng bờ (2004a). Văn bản kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ Thừa Thiên Huế 2005 – 2008.
5. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2004b). Chiến lược Quản lý Tổng hợp Vùng bờ tỉnh Thừa Thiên Huế.
6. Trần Đức Thạnh, Lăng Văn Kẻng, Nguyễn Hữu Cử (2009). Kiểm kê, đánh giá các khu vực, đối tượng có giá trị kỳ quan thiên nhiên, di sản tự nhiên ở vùng biển và ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế. Báo cáo tổng kế đề tài cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Khoa học và Công nghệ Thừa Thiên Huế.
7. Vu Quang Lan, Truong Quang Quy, Trinh Hai Son (2019). Geological heritage types in Tam Giang - Bach Ma are, Thua Thien-Hue province, Vietnam. Modern Environmental Science and Engineering, Vol. 5, No. 8, page 739-749.
8. Vũ Quang Lân, Nguyễn Tiến Dũng, Lương Quang Khang, Trần Quang Phương, Hoàng Văn Quyền, Nguyễn Danh Lam, Bùi Văn Nghĩa (2020). Tiềm năng di sản địa chất khu vực Tam - Giang - Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất, số 61, tập 2, trang 10-21.
9. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2023). Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030.
10. Phạm Huy Thông (1997), Bản đồ Địa chất và khoáng sản nhóm tờ Huế tỉ lệ 1:50.000, Liên đoàn Địa chất miền Bắc, Hà Nội.
11. Hoàng Thị Sinh Hương (2022). Nghiên cứu tính chất xây dựng của đất loại sét yếu Holocen vùng đồng bằng Quảng Trị - Thừa Thiên Huế. Luận án Tiến sĩ Địa chất học, Trường Đại học Khoa học, 166 trang.
12. Nguyễn Thanh, Lê Văn Thăng, Hà Ngọc Kanh, Nguyễn Khoa Lạnh, Trương Văn Lới, Bùi Văn Nghĩa, Mai Văn Phô, Võ Văn Phú, Lê Đình Phúc, Lê Xuân Tài, Trần Đức Thạnh. Hoàng Đức Triêm, Nguyễn Việt (2005). Địa chí Thừa Thiên Huế, phần Tự nhiên. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội.
13. Nguyễn Hữu Cử (chủ nhiệm) (2010). Báo cáo tổng kết dự án Đánh giá chất lượng môi trường, lịch sử và xu thế của một số thủy vực quan trọng làm cơ sở quản lý: các đầm phá ven bờ miền Trung Việt Nam và một số hồ có liên quan. Chương trình hợp tác về Khoa học và Công nghệ giữa Việt Nam và Italia giai đoạn 2006-2008 theo Nghị định thư. Mã số đề tài: 12EE6. Hải Phòng. 312 trang.
14. Nguyễn Văn Canh (2009). Xây dựng cơ sở dữ liệu GIS về kết quả tài nguyên khoáng sản có giá trị kinh tế và nước dưới đất tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề tài KHCN cấp tỉnh, Sở KHCN Thừa Thiên Huế.
15. Nguyễn Thanh, Trần Hữu Tuyên, and Đỗ Quang Thiên (2000), Đánh giá địa chất công trình độ ổn định vùng đồn bằng cửa sông ven biển Thuận An – Tư Hiền và đầm phá Tam Giang – Cầu Hai. In: Tuyển tập báo cáo hội thảo khoa học về vùng cửa sông ven biển Thuận An và đầm phá Tam Giang Cầu Hai, Hà Nội.