Điều kiện tư nhiên khu vực xung quanh di sản Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ TỰ NHIÊN

1.1. Vị trí địa lý

Di sản Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (hay còn gọi là cụm di tích lịch sử cầu Hiền Lương - Sông Bến Hải) là chứng tích lịch sử nổi tiếng tại vĩ tuyến 17. Đây là điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 1A và sông Bến Hải. Phía Bắc thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh. Phía Nam thuộc thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Do Linh, tỉnh Quảng Trị.

Tỉnh Quảng Trị nằm trong phạm vi từ 16 018 đến 17010 vĩ độ Bắc và 106032 đến 107034 kinh độ Đông; phía Bắc giáp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; phía Nam giáp huyện Phong Điền và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Tây là biên giới Việt - Lào và phía Đông là biển Đông, với chiều dài bờ biển là 75 km. Diện tích tự nhiên của tỉnh là 4.744,32 km2 được chia thành 10 đơn vị hành chính, gồm 8 huyện và 2 thị xã. Quảng Trị ở vào vị trí cầu nối của hai miền Nam – Bắc có quốc lộ 1A, đường mòn Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy qua, có quốc lộ 9 nối hành lang Đông Tây rất thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển kinh tế.

Miền đồng bằng tỉnh Quảng Trị (Hình 1) bao gồm 91 phường, xã và thị trấn thuộc 7 huyện, thị: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị, Triệu Phong và Hải Lăng có tổng diện tích 1627 km2.

Hình 1. Cụm di sản Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải trong đồng bằng tỉnh Quảng Trị.

1.2. Đặc điểm địa hình - địa mạo.

Vùng nghiên cứu có thế dốc chung từ Tây sang Đông, đổ ra biển. Do sự phát triển của các bình nguyên đồi thấp nên địa hình ở vùng này rất phức tạp. Theo chiều Bắc Nam, phần đồng bằng địa hình có dạng đèo thấp, thung lũng sông - đèo thấp. Theo chiều Tây - Đông, địa hình ở đây có dạng bình nguyên - đồi, đồng bằng, đồi thấp ven biển. Có thể phân chia địa hình ở đây theo các dạng đặc trưng sau:

1.2.1. Vùng núi thấp và đồi: Địa hình vùng đồi ở đây có dạng đồi bát úp liên tục, có những khu nhỏ dạng bình nguyên như khu đồi Hồ Xá (Vĩnh Linh) và khu Cùa (Cam Lộ). Độ dốc vùng núi bình quân từ 15 ¸ 180. Địa hình này rất thuận lợi cho việc phát triển cây trồng cạn, cây công nghiệp và cây ăn quả; cao độ của dạng địa hình này là 200 – 1000 m, có nhiều thung lũng lớn. Đây là dạng địa hình có thế mạnh của tỉnh Quảng Trị, dạng địa hình này chiếm tới 50% diện tích tự nhiên của các lưu vực sông, thuận lợi cho việc xây dựng hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Trên bậc địa hình này thích hợp với các loại cây lâu năm như hồ tiêu, cao su, cà phê và các loại cây ăn quả …

1.2.2. Vùng đồng bằng: ở đây là các thung lũng sâu kẹp giữa các dải đồi thấp và cồn cát hình thành trên các cấu trúc uốn nếp của dãy Trường Sơn, có nguồn gốc mài mòn và bồi tụ. Ở đây có các vùng đồng bằng rộng lớn như:

- Đồng bằng hạ du sông Bến Hải, cao độ biến đổi từ +1,0 ¸ 2,5 m; địa hình bằng phẳng, đã được khai thác từ lâu đời để sản xuất lúa nước. Xuôi theo chiều dài dòng chảy của sông Sa Lung, dạng đồng bằng này có tới gần 8.000 ha.

- Đồng bằng dọc sông Cánh Hòm: là dải đồng bằng hẹp chạy từ phía Nam cầu Hiền Lương tới bờ Bắc sông Thạch Hãn, thế dốc của dải đồng bằng này là từ 2 phía Tây và Đông dồn vào sông Cánh Hòm. Cao độ bình quân dạng địa hình này từ +0,5 ¸ 1,5m đã cải tạo để gieo trồng lúa nước.

- Đồng bằng hạ du sông Vĩnh Phước và đồng bằng Cam Lộ: địa hình bằng phẳng, tập trung ở Triệu Ái, Triệu Thượng (Vĩnh Phước). Cao độ bình quân dạng địa hình này từ +3,0 ¸ 1,0m. Đây là cánh đồng rộng lớn của Triệu Phong và thị xã Đông Hà. Địa hình đồng bằng có cao độ bình quân từ +2,0 ¸ 4,0m, dải đồng bằng này hẹp chạy theo hướng Tây - Đông, kẹp 2 bên là các dãy đồi thấp.

- Địa hình đồng bằng phù sa phân bố ven sông nằm kẹp giữa vùng gò đồi phía Tây và vùng cát ven biển, các cánh đồng nhỏ hẹp, có độ cao không đều là thành tạo của các quá trình bồi đắp phù sa của các hệ thống sông và các dải đất dốc tụ được khai phá từ lâu dọc theo Quốc lộ 1A từ Vĩnh Linh đến Hải Lăng.

1.2.3. Vùng cát ven biển: chạy dọc từ Cửa Tùng đến bãi biển Mỹ Thuỷ theo dạng cồn cát. Chiều rộng cồn cát nơi rộng nhất tới 3-4 km, dài đến 35 km. Dốc về 2 phía: đồng bằng và biển, cao độ bình quân của các cồn cát từ +6 ¸ +4 m. Cát ở đây di chuyển theo các dạng cát chảy theo dòng nước mưa, cát bay theo gió lốc, cát di chuyển theo dạng nhảy do mưa đào bới và gió chuyển đi; dạng cồn cát này có nguy cơ di chuyển chiếm chỗ của đồng bằng. Tuy nhiên dạng địa hình này có khả năng cải tạo thành vùng trồng cây trồng cạn nếu như có nước để cải tạo.

1.3. Đặc điểm khí hậu

Tỉnh Quảng Trị và khu vực nghiên cứu nói riêng nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa tương đối điển hình. Gió Tây Nam khô nóng về mùa hè, gió Đông Bắc ẩm ướt về mùa đông. Trong năm có hai mùa rỏ rệt là mùa khô và mùa mưa. Mùa khô kéo dài từ tháng XII đến tháng VIII năm sau, mùa mưa kéo dài từ tháng IX đến tháng XI. Từ tháng III đến tháng VIII chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng. Từ tháng XI đến tháng II năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc đi liền với mưa phùn và rét đậm [2].

1.3.1. Lượng mưa

 Tổng lượng mưa đo được của các trạm khí tượng, thủy văn trong tỉnh từ ngày 01/5/2022 đến ngày 31/5/2022 cho thấy mưa phân bố khá đều từ miền núi đến đồng bằng, so với lượng mưa tháng 5 TBNN cho thấy mưa ở các trạm đều cao hơn. Lượng mưa thấp nhất đo được là tại trạm Đông Hà, đạt 152,8 mm, lượng mưa lớn nhất đo được tại trạm Khe Sanh đạt 220,7mm. Lượng mưa lũy tích từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/5/2022 cao hơn so với TBNN từ 19% đến 73%. So sánh với cùng kỳ năm 2021, lượng mưa lũy tích đến cuối tháng 5/2022 tại các trạm đều lớn hơn, từ 37% tại trạm Gia Vòng đến 194% tại trạm Đông Hà. So sánh với cùng kỳ năm 2020, lượng mưa các trạm hầu hết đều cao hơn, riêng trạm Thạch Hãn thấp hơn 8%. Đặc biệt so sánh với tổng lượng mưa đến cùng kỳ của năm 2021, lượng mưa của năm 2022 có sự gia tăng đáng kể.

Bảng 1. Lượng mưa của các trạm quan trắc lưu vực sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Cánh Hòm và vùng phụ cận [3]

Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Trị, tổng lượng mưa trong tháng 6/2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị lượng mưa ở mức thấp hơn hoặc xấp xỉ TBNN và đạt từ 70-100% lượng mưa TBNN cùng kỳ.

1.3.2. Bốc hơi

Lượng bốc hơi bình quân nhiều năm nằm trong khoảng 1.200 – 1.300 mm. Ở vùng đồng bằng bốc hơi bình quân nhiều năm cao hơn vùng núi. Lượng bốc hơi tháng bình quân lớn nhất tại Đông Hà là 219mm/tháng (bảng 1.2). Vào các tháng mùa hè, lượng bốc hơi lên tới 70 - 75% lượng bốc hơi cả năm. Đây là một trong những nguyên nhân làm hao hụt nguồn nước gây khô hạn đất đai, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dễ gây ra nạn cháy rừng [1].

Bảng 2. Lượng bốc hơi trung bình tháng nhiều năm trạm KTTV Đông Hà [2].

1.3.3. Độ ẩm

Quảng Trị có độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83-88%. Giữa hai miền Đông và Tây Trường Sơn chế độ ẩm cũng phân hóa theo thời gian. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 4, độ ẩm thấp nhất có khi xuống đến 22%; trong những tháng mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình thường trên 85%, có khi lên đến 88-90% [4]

Bảng 3. Độ ẩm trung bình tháng nhiều năm trạm KTTV Đông Hà [2].

1.3.4. Nhiệt độ không khí

Chế độ nhiệt trong năm biến đổi khá phức tạp, chia làm hai mùa rõ rệt, mùa hè có nền nhiệt khá cao, mùa đông nền nhiệt thấp, biên độ dao động nhiệt trong ngày lớn. Đặc biệt nhiệt độ có sự phân hóa rất lớn theo độ cao địa hình, càng lên cao tổng nhiệt và nhiệt độ trung bình năm càng thấp.

Bảng 4. Nhiệt độ không khí trung bình tháng và năm (°C) [5-7]

Hàng năm vào mùa đông, không khí lạnh mặc dù đã bị biến tính đi nhiều nhưng vẫn có điều kiện xâm nhập vào khu vực này. Nhiệt độ trung bình các tháng mùa đông xuống dưới 19°C chỉ phân bố ở khu vực vùng núi phía Tây như ở Khe Sanh. Chế độ nhiệt trong năm không có những biến động lớn trong không gian. Nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng dần từ Bắc vào Nam và giảm dần từ Đông sang Tây.

Bảng 5. Biên độ nhiệt độ ngày trung bình tháng và năm (°C) [5-7]

Theo số liệu thống kê nhiều năm tại các trạm khí tượng, ở Quảng Trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối có thể lên đến 42,10C (Đông Hà), nhiệt độ không khí thấp nhất tuyệt đối vào khoảng 7,7°C (Khe Sanh). Biên độ nhiệt ngày đêm trung bình năm tại tỉnh Quảng Trị dao động khá lớn, khoảng từ 4,5°C ở Cồn Cỏ đến 7,2°C ở Khe Sanh.

1.3.5. Gió và bão

a. Chế độ gió

Hàng năm có hai mùa gió chính là gió mùa đông và gió mùa hạ. Ở vùng đồng
bằng ven biển và hải đảo, về mùa đông hướng gió thịnh hành chủ yếu là Tây - Bắc. Xen kẽ giữa hai đợt gió mùa Đông Bắc là những ngày gió Đông hoặc Đông - Nam. Về mùa hạ, hướng gió thịnh hành là hướng Tây – Nam [8]. Gió tây nam khô nóng thường gọi là "gió Lào" là hiện tượng thời tiết đặc biệt khô nóng thổi từ Lào qua, thường những ngày có gió Lào là ngày có nhiệt độ cao nhất trên 35°C, độ ẩm tương đối thấp dưới 50% [9]. Ngoài ra còn thấy hướng gió khác thổi xen kẽ theo hướng Đông hoặc Đông - Nam. Tốc độ gió trung bình năm từ 2,4 - 2,6 m/s [8].

Bảng 6. Tốc độ gió trung bình tháng và năm tại một số địa điểm ở Quảng Trị (m/s) [5-7]

Vận tốc gió hầu hết các tháng trong năm đều ở mức độ trung bình từ 2 - 3 m/s, không khí được lưu thông tốt. Tốc độ gió ở Quảng Trị được đánh giá ở mức rất tốt, thuận lợi cho các hoạt động du lịch [8].

b. Chế độ bão

Tính chất của bão và áp thấp nhiệt đới ở vùng nghiên cứu cũng rất khác nhau theo từng cơn bão và từng thời kỳ có bão. Có năm không có bão và áp thấp nhiệt đới, cũng có năm liên tiếp 2 - 3 cơn bão. Bình quân mỗi năm có 1,2 – 1,3 cơn bão đổ bộ vào Quảng Trị. Bão đổ bộ vào đất liền với tốc độ gió từ cấp 10 - 12, thời gian bão duy trì từ 8 - 10 giờ, nhưng mưa kèm theo bão thường xảy ra khoảng 3 ngày liên tục [1].

Bão và xoáy thuận nhiệt đới là những biến động thời tiết hoạt động rất mạnh mẽ và thất thường. Từ tháng V đến tháng VIII vùng ven Thái Bình Dương không khí bị nung nóng bốc lên cao tạo thành những vùng xoáy rộng hàng trăm km2, tích luỹ dần và di chuyển theo hướng Tây Nam đổ bộ vào đảo Hải Nam, Trung Quốc. Từ tháng IX đến tháng XI gió Tây Nam suy yếu, nhường dần cho hướng gió Nam và Đông Nam. Tâm xoáy thuận di chuyển dần xuống vùng vĩ độ thấp và đổ bộ vào khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế. Quy luật này xảy ra thường xuyên, hàng năm. Hướng đi của bão trong vùng Bình Trị Thiên như sau: Bão theo hướng chính Tây chiếm khoảng 30%, theo hướng Tây – Tây Bắc chiếm khoảng 45%, theo hướng Nam chiếm khoảng 24%, theo các hướng khác chiếm khoảng 1% [1].

1.4. Đặc điểm thủy văn

Cũng như các nơi khác ở nước ta, dòng chảy sông suối trong tỉnh Quảng Trị không những phân bố không đều trong lãnh thổ mà còn phân bố rất không đều trong năm. Hàng năm, dòng chảy sông suối biến đổi theo mùa rõ rệt: mùa lũ và mùa cạn. Thời gian bắt đầu, kết thúc các mùa dòng chảy không cố định hàng năm mà có xê dịch giữa các năm từ một đến vài tháng. Dòng chảy năm tại khu vực nghiên cứu có giá trị mô đun biến động trong khoảng 54 - 73 l/s.km2, thuộc khu vực có dòng chảy dồi dào so với trung bình cả nước, phần lớn nước tập trung vào mùa lũ.

Do sự phân bố nước không đều trong năm nên ở đây lũ rất khắc nghiệt và hạn hán cũng rất điển hình. Có một số nơi giá trị mô đun dòng chảy bình quân năm đạt tới 80 l/s.km2, như ở huyện Hướng Hoá, mùa lũ từ tháng IX - XII, mùa kiệt kéo dài trong khoảng 8 tháng (I - VIII). Do độ dốc lớn nên lũ thường xảy ra nhanh và ác liệt gây nguy hiểm cho các hoạt động kinh tế xã hội. Thông thường mùa lũ xuất hiện chậm hơn mùa mưa khoảng một tháng. Mưa là nguyên nhân gây lũ chủ yếu ở hai tỉnh này. Lũ lớn nhất thường xuất hiện trong các tháng IX, X chiếm từ 25 - 31% tổng lượng nước cả năm.

Mùa kiệt trong vùng thường chậm hơn so với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Lượng nước mùa kiệt chỉ chiếm khoảng gần 30% tổng lượng dòng chảy trong năm. Sự phân phối không đều đã gây ảnh hưởng lớn cho sinh hoạt và sản xuất. Tình trạng đó càng trở nên khốc liệt vào các năm và các tháng có gió Tây Nam (gió Lào) hoạt động mạnh. Tuy nhiên vào khoảng tháng V-VI trong vùng thường có mưa tiểu mãn bổ sung lượng nước cho mùa kiệt. Tháng IV và tháng VII là những tháng kiệt, lưu lượng trên sông nhỏ. Mô đun dòng chảy bình quân tháng vào các tháng kiệt chỉ khoảng 10-15l/s/km2. Do đặc điểm vùng nghiên cứu có địa hình tạo thành các dải từ biển vào sâu trong lục địa: dải cát ven biển, đồng bằng ven biển, gò đồi, núi nên tính chất dòng chảy cũng có sự phân hoá theo không gian rõ rệt. Một số đặc trưng dòng chảy năm các lưu vực sông thuộc tỉnh Quảng Trị trên bảng 7 và 8.

Bảng 1.7. Một số đặc trưng dòng chảy năm các lưu vực sông thuộc tỉnh Quảng Trị

Bảng 1.8. Phân phối dòng chảy theo các tháng trong năm của các trạm đại biểu

2. CẤU TRÚC ĐỊA CHẤT

2.1. Địa tầng

Trên cơ sở tài liệu Bản đồ Địa chất và khoáng sản, tỷ lệ 1:200.000 tờ Hướng Hoá - Huế - Đà Nẵng do Nguyễn Văn Trang chủ biên, tờ Lệ Thuỷ - Quảng Trị do Nguyễn Xuân Dương chủ biên; Bản đồ Địa chất và khoáng sản Quảng Trị năm 2000 do Lê Tiến Dũng chủ biên; Tài liệu nghiên cứu về nước dưới đất của các phương án Tây Đông Hà, phương án Đông Hà, phương án Huế - Đông Hà, phương án Triệu Đại; Đề tài xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài nguyên khoáng sản và nước dưới đất làm luận cứ khoa học cho quy hoạch khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị; Các công trình nghiên cứu của Trung tâm nước sạch và vệ sinh Môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị; kết hợp với nghiên cứu của các thành viên nhóm đề tài cho thấy [12-18]. Khu vực Đông Nam tỉnh Quảng Trị được phân chia thành 8 phân vị địa tầng (trong đó gồm 1 phân vị địa tầng trước Kainozoi và 7 phân vị địa tầng Kainozoi).

2.1.1. Giới Paleozoi.

Nguyễn Đình Tiến và nnk (2015) đã có những báo cáo tổng quan về đặc điểm dịa chất của khu vực Quảng trị [1]

Hệ Ordovic – thống hạ, hệ Silur – thống hạ, hệ tầng Long Đại (O1-S1 lđ):

Hệ tầng Long Đại được xác lập trên cơ sở mặt cắt theo dòng sông Long Đại thuộc tỉnh Quảng Bình với sưu tập hóa thạch Bút Đá tuổi Ordovic - Silus sớm. Hệ tầng phân bố chủ yếu phía Tây Nam khu vực nghiên cứu thuộc địa phận thị xã Quảng Trị và huyện Hải Lăng. Hệ tầng được chia thành 4 phân hệ địa tầng, tuy nhiên tại khu vực nghiên cứu chỉ tồn tại 3 phân hệ tầng và hoàn toàn vắng mặt các đá của phân hệ tầng dưới.

- Phân hệ tầng giữa - dưới (O1 - S1 lđ2): Các đá của hệ tầng Long Đại phân hệ tầng giữa - dưới phân bố ở phía Tây Nam khu vực nghiên cứu thuộc xã Hải Lâm và Hải Chánh huyện Hải Lăng. Tại khu vực nghiên cứu chúng bị phủ hoàn toàn bởi các trầm tích hệ Đệ tứ.

Các tài liệu nghiên cứu chi tiết trước đây và của nhóm nghiên cứu tại vùng lộ (ngoài vùng nghiên cứu) cho thấy phân hệ tầng này đặc trưng bởi sự phong phú các lớp đá phiến sét giàu graphit xen kẽ với các đá trầm tích lục nguyên cát kết - bột kết hạt mịn.

Theo tài liệu tại mặt cắt xã Vĩnh Ô dọc Khe Pìa, Khe Ka Lư chúng phân bố từ dưới lên gồm 5 tập:

  • Tập 1: Đá phiến sét đen giàu graphit ẩn tinh. Dày 100 m.
  • Tập 2: Bột kết xám đen hạt nhỏ có ít graphit. Dày 150 m.
  • Tập 3: Đá phiến sét - bột kết xám đen. Dày 150 m.
  • Tập 4: Cát kết xám trắng hạt nhỏ. Dày 100 m.
  • Tập 5: Sét kết màu xám đen giàu graphit. Dày 200 m.

Tổng chiều dày của phân hệ tầng khoảng 700 m.

- Phân hệ tầng giữa - trên (O1 - S1 lđ3): Hệ tầng Long Đại phân hệ tầng giữa - trên đặc trưng bởi sự có mặt các lớp hoặc thấu kính đá cacbonat chứa sét (vôi sét hoặc sét vôi) qui mô nhỏ. Trong khu vực nghiên cứu các đá của phân hệ tầng phân bố lộ ra một khối nhỏ ở khu vực xã Hải Lệ và phường 1, thị xã Quảng Trị, với tổng diện lộ khá lớn khoảng 0,60 km2. Phần còn lại chúng bị phủ hoàn toàn và phân bố gần như toàn bộ phía Tây khu vực nghiên cứu.

 Theo tài liệu tại mặt cắt Tây Đông Hà được Vũ Mạnh Điển mô tả với 8 tập từ dưới lên như sau:

  • Tập 1: Sét vôi màu xám tro. Dày 40 m.
  • Tập 2: Cát kết. Dày 60 m.
  • Tập 3: Đá phiến sét đen. Dày 80 m.
  • Tập 4: Cát kết hạt bé chứa vôi. Dày 90 m.
  • Tập 5: Đá phiến sét đen. Dày 50 m.
  • Tập 6: Cát bột kết. Dày 30 m.
  • Tập 7: Sét vôi. Dày 75 m.
  • Tập 8: Đá vôi màu xám tro. Dày 65 m.

Tổng chiều dày của phân hệ tầng khoảng 500 m.

- Phân hệ tầng trên (O1 - S1 lđ4): Hệ tầng Long Đại phân hệ tầng trên tại khu vực nghiên cứu chúng phân bố bên dưới các trầm tích holocen ở khu vực xã Hải Lệ thị xã Quảng Trị. Về thành phần thạch học theo Phạm Huy Thông mô tả tại mặt cắt khu vực núi Trường Phước gồm 3 tập từ dưới lên như sau:.

  • Tập 1: Đá phiến thạch anh - sericit - clorit màu xám lục xen các lớp cát bột kết phân lớp dày và sét bột kết. Dày 190 m.
  • Tập 2: Cát kết ít khoáng, bột kết phân lớp mỏng đến trung bình, đá phiến sét - sericit - clorit màu xám nhạt. Dày 110 m.
  • Tập 3: Đá phiến sét - sericit - clorit xen bột kết ít khoáng, cấu tạo phân dải, phân lớp không đều, màu xám ghi. Dày 400 m.

Tổng bề dày của phân hệ tầng khoảng 700 m.

Nhìn chung các thành tạo thuộc hệ tầng Long Đại có cấu trúc phân nhịp khá rõ, bao gồm các trầm tích lục nguyên xen kẽ với các trầm tích sét, rất ít cacbonat, vắng mặt đá phun trào. Chúng bị biến chất không đều trong phạm vi tướng phiến argilit hoặc phần đầu của tướng phiến lục.

2.1.2. Giới Kainozoi.

a. Hệ Neogen, hệ tầng Gio Việt (N gv):

Hệ tầng Gio Việt phân bố chạy dọc theo khu vực ven biển, nhưng chúng bị phủ hoàn toàn dưới các trầm tích hệ Đệ Tứ, chỉ bắt gặp trong các lỗ khoan sâu phía đồng bằng ven biển. Chúng phân bố từ độ sâu 54 - 86 m, với chiều dày trầm tích tăng dần từ rìa đồng bằng ra biển, tại các lỗ khoan chiều dày từ 13 - 42 m. Diện tích phân bố khoảng 170 km2. Mặt cắt đầy đủ gồm 2 nhịp trầm tích. Nhịp dưới gồm cát kết chứa cuội kết, cát kết màu xám chuyển lên sét kết màu xám tro. Nhịp trên là sét lẫn cát hạt mịn đến trung màu xám tro, xám nâu, có lẫn nhiều vật chất hữu cơ. 

b. Hệ Đệ tứ.

- Thống pleistocen, phụ thống trung - thượng (Q12-3): Các trầm tích pleistocen, phụ thống trung - thương phân bố lộ ra một khối nhỏ ở ven rìa đồng bằng, còn phần lớn phân bố dưới đồng bằng có bề dày thay đổi từ rìa đồng bằng ra biển. Thành phần thạch học chủ yếu là 2 nguồn gốc là sông và sông - biển.

- Trầm tích sông (aQ12-3): Trầm tích nguồn gốc sông tại khu vực phân bố lộ ra chủ yếu ven rìa đồng bằng, thuộc địa phận các xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm huyện Hải Lăng và phường 1 thị xã Quảng Trị, với tổng diện lộ khoảng 11,27 km2. Thành phần thạch học bao gồm cát, sét màu xám vàng lẫn sạn, sỏi. Bề dày trầm tích thay đổi từ 8 - 10 m.

- Trầm tích sông - biển (amQ12-3): Tầng trầm tích sông - biển thống Pleistocen phụ thống trung - thượng khu vực nghiên cứu tương ứng với hệ tầng Quảng Điền do Phạm Huy Thông và nnk. (1997) xác lập khi đo vẽ Bản đồ địa chất nhóm tờ Huế tỷ lệ 1:50.000 để mô tả các trầm tích Pleistocen trung - thượng phần thấp ở đồng bằng Huế. Tại khu vực nghiên cứu các trầm tích này không lộ trên mặt, chúng bị phủ hoàn toàn chỉ bắt gặp trong hầu hết các lỗ khoan sâu ở phía Đông đồng bằng từ độ sâu từ 28 - 47 m, với chiều dày trung bình khoảng 25 m. Tổng diện tích phân bố khoảng 300 km2.

Thành phần thạch học chủ yếu là cát, sạn, sỏi, cuội lẫn bột, sét màu xám tro, xám vàng, xám trắng, mức độ gắn kết yếu đến rời rạc. Chúng phủ bất chỉnh hợp lên các trầm tích Neogen hệ tầng Gio Việt (Ngv) và bị các trầm tích sông - biển thống Holocen phụ thống hạ - trung (amQ21-2) phủ chỉnh hợp lên.

c. Thống pleistocen, phụ thống thượng (Q13):

- Trầm tích biển (mQ13): Tại khu vực nghiên cứu trầm tích biển (mQ13) phân bố và lộ ra một vài khối nhỏ ở khu vực xã Hải Phú, Hải Thượng, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh huyện Hải Lăng, với tổng diện lộ khoảng 4,48 km2. Thành phần thạch học được đặc trưng bởi các tập cát bột màu vàng nghệ, vàng sẫm, xám vàng. Cát có độ mài tròn, chọn lọc tốt. Bề dày thay đổi từ 5 - 10 m.

d. Thống Holocen, phụ thống hạ - trung (Q21-2): Trầm tích Holocen, phụ thống hạ - trung tại khu vực nghiên cứu tồn tại chủ yếu bởi 2 nguồn gốc là sông và sông - biển.

- Trầm tích sông (aQ21-2): Trầm tích sông (aQ21-2) phân bố lộ ra 2 khối nhỏ ở xã Hải Chánh huyện Hải Lăng, với tổng diện lộ khoảng 2,2 km2. Thành phần thạch học có cấu trúc phân lớp. Lớp dưới cùng cuội, dăm, sỏi, đá. Lớp giữa gồm cát, sét lẫn cuội, sỏi vàng nâu dày 1,2 m. Lớp trên cùng gồm cát, bột lẫn sét, sỏi, sạn, dày 2,5 m.

- Trầm tích Sông - Biển (amQ21-2): Trầm tích sông - biển thống Holocen phụ thống hạ - trung tại khu vực nghiên cứu lộ ra một khối nhỏ ở khu vực xã Hải Trường với diện lộ khoảng 0,94 km2, phần còn lại bị phủ hoàn toàn chỉ bắt gặp trong hầu hết các lỗ khoan sâu từ độ sâu từ 4 - 29 m, với chiều dày trung bình khoảng 16 m. Tổng diện tích phân bố khoảng 320 km2. Về thành phần thạch học chúng bao gồm 2 phần:

- Phần trên (amQ21-22): Chủ yếu là cát pha sét màu xám đen, xám xanh, có lẫn vỏ sò, hàu hến. Mức độ gắn kết yếu. Phân bố từ độ sâu 4 - 13 m, bề dày biến đổi từ 4,5 - 13 m, trung bình 7 m.

- Phần dưới (amQ21-21): Chủ yếu là sét, bùn hữu cơ, đôi nơi có chứa vỏ ốc, sò, màu xám đen, xám tro. Sét dẻo dính, mức độ gắn kết yếu. Phân bố từ độ sâu 14,5 - 29 m, bề dày biến đổi từ 4 - 15 m, trung bình 9 m. Tầng sét này phân bố gần như rộng khắp đồng bằng, đây cũng là tầng sét cách nước ngăn cách giữa tầng chứa nước Pleistocen (qp) và Holocen (qh), làm cho tầng chứa nước Pleistocen (qp) có áp lực.

e. Thống Holocen, phụ thống trung (Q22): Trầm tích Holocen, phụ thống trung tại khu vực nghiên cứu tồn tại chủ yếu bởi 2 nguồn gốc là sông - biển và biển.

- Trầm tích sông - biển (amQ22): Trầm tích sông - biển (amQ22) tại khu vực có diện lộ chủ yếu tại thị xã Quảng Trị và xã Hải Thượng, Hải Lâm và thị trấn Hải Lăng huyện Hải Lăng, với tổng diện lộ khoảng 25,83 km2. Trầm tích đã tạo nên bề mặt đồng bằng có độ cao 4 - 6 m với địa hình tương đối phẳng. Mặt cắt được đặc trưng bởi các lớp cát lẫn bột, sét màu xám nâu, xám tro, xám vàng, xám đen. (Hình 2). Bề dày thay đổi từ 5 - 20 m.

Hình 2. Ảnh chụp cát lẫn bột, sét màu xám vàng trầm tích sông - biển Holocen trung (amQ22). (Xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị - Tỉnh Quảng Trị)

- Trầm tích biển (mQ22): Tại khu vực nghiên cứu trầm tích biển (mQ22) phân bố lộ ra thành 2 dải, dải 1 kéo dài từ Nam Cửa Việt đến ranh giới với tỉnh Thừa Thiên Huế, dải 2 kéo dài từ xã Hải Quy đến xã Hải Trường huyện Hải Lăng, chúng được thành tạo liên quan với đợt biển tiến Holocen trung. Thành phần thạch học gồm cát thạch anh màu xám trắng tinh khiết. (Hình 3). Cát có độ chọn lọc, mài tròn tốt, bề dày thay đổi từ 10 - 29 m. Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng với độ cao 4 - 8 m, đôi nơi tạo nên các đụn cát cao 12 - 14 m. Tổng diện lộ khoảng 106,1 km2.

Hình 3: Ảnh chụp cát thạch anh màu xám trắng trầm tích biển Holocen trung (mQ22). (Thôn Tường Vân - Xã Triệu An - Huyện Triệu Phong - Tỉnh Quảng Trị)

f. Thống Holocen, phụ thống trung – thượng (Q22-3):

- Trầm tích sông (aQ22-3): Các trầm tích sông (aQ22-3) cấu tạo nên các bãi bồi cao từ 3 - 4 m, phân bố dọc các thung lũng sông suối của các sông Mỹ Chánh, Ô Lâu, phân bố lộ ra ở xã Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh huyện Hải Lăng, với tổng diện lộ khoảng 4,47 km2. Mặt cắt bên dưới gồm cát, cuội, sỏi, trên cùng là lớp bột, sét lẫn cát màu xám vàng, xám trắng, xám đen, dày 2 - 3 m, thường bị ngập nước trong các mùa mưa lũ.

g. Thống Holocen, phụ thống thượng (Q23): Trầm tích Holocen, phụ thống thượng tại khu vực nghiên cứu tồn tại chủ yếu bởi 4 nguồn gốc là sông, sông - biển, biển và biển - gió.

- Trầm tích sông (aQ23): Các trầm tích sông (aQ23) tạo nên các bãi bồi, bãi cát ven lòng sông hiện đại, với các điểm cát xây dựng phân bố dọc các thung lũng sông suối. Tại khu vực nghiên cứu chúng phân bố khá rộng trên toàn bộ hệ thống sông có mặt tại khu vực (Thạch Hãn, Tân Vĩnh Định, Ô Giang, Mỹ Chánh, Ô Lâu), với tổng diện lộ khoảng 50,53 km2. Trầm tích gồm tướng lòng sông và bãi bồi. Tướng lòng sông chủ yếu là trầm tích hạt thô gồm tảng, cuội, sỏi, cát với kích thước khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn cung cấp vật liệu của các con sông. Còn tướng trầm tích bãi bồi được thành tạo chủ yếu là cát, bột, sét lẫn ít sạn, sỏi màu xám trắng, xám vàng, với thành phần đa khoáng và độ chọn lọc, mài tròn kém. Chiều dày 0,5 - 1,5 m.

- Trầm tích sông - biển (amQ23): Tại khu vực nghiên cứu trầm tích sông - biển (amQ23) phát triển khá rộng ở hạ lưu các sông Thạch Hãn, Ô Lâu. Chúng kéo dài thành dãi ở trung tâm từ sông Thạch Hãn đến ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện lộ khoảng 172,6 km2. Thành phần thạch học chủ yếu là cát có lẫn bột, sét màu xám vàng, xám nâu, xám đen, giàu vật chất hữu cơ. Bề dày biến đổi từ 3 - 14,5 m.

- Trầm tích biển (mQ23): Trầm tích biển (mQ23) tại khu vực phân bố lộ ra thành dãi kéo dài ven bờ biển từ Cửa Việt đến ranh giới tỉnh Thừa Thiên Huế, với tổng diện lộ khoảng 14,61 km2. Thành phần thạch học chủ yếu là cát thạch anh màu xám vàng, trắng đục (Hình 4). Cát có độ chọn lọc, mài tròn tốt, kết cấu rời rạt, cấu tạo nên bề mặt thềm biển cao 2 - 3 m. Bề dày biến đổi từ 4 - 6 m.

Hình 4: Ảnh chụp Cát thạch anh màu trắng đục trầm tích biển Holocen thượng (mQ23). (Thôn Trung An - Xã Hải Khê - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị)

- Trầm tích biển - gió (mvQ23): Trầm tích biển - gió Holocen (mvQ23) tạo nên các dải cồn cát độ cao từ 4 - 14 m phân bố dọc bờ biển chủ yếu thành dãi kéo dài từ xã Triệu Trạch huyện Triệu Phong đến xã Hải Khê huyện hải Lăng, với tổng diện lộ khoảng 27,93 km2. Thành phần bao gồm cát thạch anh hạt nhỏ đến mịn màu trắng, trắng xám. (Hình 5). Chiều dày trầm tích đạt 3 - 10 m. Vật liệu trầm tích có độ chọn lọc tốt.

Hình 1.5: Ảnh chụp cát thạch anh màu trắng xám trầm tích biển - gió Holocen thượng (mvQ23). (Thôn Đầu - Xã Hải An - Huyện Hải Lăng - Tỉnh Quảng Trị)

2.2. Các hệ thống đứt gãy

Các hoạt động kiến tạo nói chung của khu vực Quảng Trị nói chung và khu vực nghiên cứu nói riêng gắn liền với sự phát triển tiến hoá địa động lực của dãy Trường Sơn. Chúng được chi phối và từ đó phản ảnh các chuyển động kiến tạo mang tính khu vực trên các quy mô lớn hơn. Khu vực nghiên cứu là đồng bằng được thành tạo chủ yếu là các trầm tích bở rời Kainozoi nên không phản ánh rỏ nét về đứt gãy kiến tạo. Tuy nhiên ở phía Tây Nam ngoài vùng nghiên cứu nơi phân bố các đá của hệ tầng Long Đại, ở đây có biểu hiện của hai hệ thống đứt gãy đi qua là hệ thống phương Tây Bắc - Đông Nam và hệ thống phương Đông Bắc - Tây Nam.

3. CÁC HIỆN TƯỢNG ĐỊA CHẤT ĐỘNG LỰC

Trong khu vực nghiên cứu, hầu như các quá trình đị chất động lực đều xảy ra. Tuy mức độ và quy mô khác nhau nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân trong vùng

3.1. Hiện tượng mương xói, rảnh xói và rữa trôi bề mặt

Hiện tượng chủ yếu xảy ra ở đồi núi phía Tây khu vực nghiên cứu, có nơi chỉ trơ đá gốc. Tuy vật, do địa hình khu vực nghiên cứu không cao và độ dốc không lớn nên đã hạn chế được phần nào các hiện tượng xói bề mặt. Thường chiều dài và chiều rộng của mương xói ngắn và nhỏ cho nên nó không gây ảnh hưởng lắm đến môi trường

3.2. Hiện tượng lũ - úng

Quá trình lũ – úng thường xảy ra vào tháng IX, X và XI hầng năm gây thiệt hại về người và của rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do:

- Đặc điểm sông ngắn, dốc, lưu vực hẹp cho nên nước từ thượng nguồn đổ về với tốc độ nhanh, mạnh làm cho nước sông dâng cao đột ngột.

- Mưa ở đầu nguồn mang tính chất là mưa rào đặc trưng và lớn nhất có khi đến hàng trăm mm trong một ngày

- Cấu tạo lưu vực sông trong khu vực nghiên cứu dốc, đồng thời bị chia cắt mạnh. Đặc biệt là các con sông đổ vào đồng bằng Quảng Trị có độ dốc thay đổi một cách đột ngột và độ chênh lệch rấy lớn từ 0.1 – 0.0001 %. Do đó, lũ tràn ngập và gây lũ trên diện rộng.

- Các sông ở khu vực nghiên cứu có cửa thoát hẹp và các cửa thoát thường bị bồi lắp gây cản trở cho dòng nước. Đặc biệt sông Thạch Hãn chỉ có cửa thoát duy nhất là Cửa Việt. Nhưng Cửa Việt bị bồi lấp thành các dải cồn cát ngầm (làm cho phần giáp biển nông hơn phần hạ lưu sông). Chính vì thế, việc tiêu thoát lũ ở đây rất chậm.

3.3. Hiện tượng cát chảy và xói ngầm

Hiện tượng này thường xảy ra trong các trầm tích bở rời Đệ Tứ mà thành phần chủ yếu là cát, cát pha và các vật chất lấp nhét. Hiện tượng này chỉ gặp khi xây dựng cong tình trên nền đất có cấu trúc địa chất chưa các lóp đất đá nói trên và áp lực thủy động của nước ngầm lớn. Tuy nhiên, trong khu vực nghiên cứu hiện tượng cát chảy, xói ngầm xảy ra với quy mô nhỏ và ít gặp.

3.4. Hiện tượng địa chất động lực của sông

Hiện tượng này xảy ra phổ biến và rất mạnh mẽ ở hầu hết các con sông ở miền Trung. Hệ thống sông ngòi trong khu vực nghiên cứu cũng không tránh khỏi hiện tượng đó. Các con sông ở đây cũng không những bị xói lở bờ nghiêm trọng mà còn xảy ra hiện tượng xâm thực đáy và xâm thực tích tụ ven sông biển.

Hiện tượng xói lở bờ sông xảy ra khá mạnh vào mùa lũ. Những đoạn xói lở mạnh nhất ở sông Thạch Hãn là từ Nhan BIều đến Triệu Độ và từ Cam Lộ đến Đại Đô đối với sông Hiếu. Các quá trình xói lở bờ sông đã là làm biến đổi môi trường địa chất, ảnh hưởng xấu đến công trình.

3.5. Hiện tượng dịch chuyển trọng lực đất đá trên sườn dốc

Địa hình khu vực có độ dốc tương đối nhỏ và sự phân cắt địa hình ít nên các hiện tượng dịch chuyển của đất đá trên sườn dốc phát triển với quy mô nhỏ

Hiện tượng đá đổ xảy ra hạn chế, chủ yếu xảy ra ở phía Tây khu vực nghiên cứu, ở một số taluy đường bị xén qua núi với quy mô nhỏ. Do địa hình khu vực có độ dốc không lớn nên quy mô của hiện tượng nhỏ và ít gây nguy hiểm. Hiện tượng này chủ yếu xảy ra trên tuyến quốc lộ 9 và địa bàn phường Đông Lễ.

Hiện tượng trượt xảy ra rãi rác, quy mô nhỏ, thường thì hiện tượng này xảy ra vào mùa mưa vì nước mưa làm thay đổi tính chất vật lí của đất đá, đặc biệt là các lớp kép giữa các phân lớp là sét và á sét. Có nhiều nơi chỉ trơ đá gốc khi hiện tượng trượt xảy ra

3.6. Hiện tượng động đất

Vùng nghiên cứu nằm trong đới kiến tạo Bình Trị - Thiên giới hạn từ đứt gãy Rào Nậy đến đứt gãy Rào – Đa Kroong – A Lưới Quan, nằm vào cánh Đông của miền uốn nếp Việt – Lào

Phía Tây khu vực nghiên cứu hiện có 2 đứt gãy chạy theo phương á vĩ tuyến gần như song song nhau, cắt vào thượng lưu sông Hiếu, việc hoạt động trở lại cảu các đứt gãy là nguyên nhân lớn gây động đất tại khu vực này.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Lê Văn Nãi (2000), Bảo vệ môi trường trong xây dựng cơ bản. Nhà xuất bản khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
2.  Nguyễn Thanh, Trần Hữu Tuyên, and Đỗ Quang Thiên (2000), Đánh giá địa chất công trình độ ổn định vùng đồn bằng cửa sông ven biển Thuận An – Tư Hiền và dầm phá Tam Giang – Cầu Hai. In: Tuyển tập báo cáo hội thảo khoa học về vùng cửa sông ven biển Thuận An và đầm phá Tam Giang Cầu Hai, Hà Nội.
3.  Hồ Văn Bính (1995), Điều tra địa chất đô thị Huế. Cục Địa chất & khoáng sản.
4.  Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam (1999), Bản đồ Địa chất và khoáng sản, tờ Hương Hóa – Huế - Đà Nẵng, tỷ lệ 1/200000. Hà Nội.
5.  Nguyễn Trường Giang (2000), Báo cáo lập bản đồ địa chất thủy văn tỷ lệ 1/200000 vùng Huế - Đông Hà. Cục địa chất & khoảng sản việt Nam.
6.  Phạm Thị Thảo (2004), Nghiên cứu các kiểu cấu trúc nền đất yếu khu vực thành phố Huế và đề xuất giải pháp kỹ thuật cải tạo hợp lý. Luận văn Thạc sĩ Địa chất học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
7.  Trần Đức Lương, Nguyễn Xuân Bao (1998), Địa chất Việt Nam. Tổng cục mỏ và địa chất, Hà Nội.
8.  NguyÔn Hång Anh (1985), Phương án thăm dò sơ bộ nước dưới đất vùng Huế - Bình Trị Thiên, Liên đoàn địa chất Miền Nam - Đoàn 708.
9.  Cục địa chất và khoáng sản Việt Nam (1997), Nước dưới đất đồng bằng ven biển Trung Trung Bộ. Hà Nội.
10.  Trương Thị Bảo Vy (2007), Nghiên cứu phương pháp thành lập bản đồ địa chất công trình tỷ lệ lớn (áp dụng cho khu vực thành phố Huế và phụ cận). Luận văn Thạc sĩ Địa chất học, Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế, 2007.