Kinh thành Huế (Thuận Hóa kinh thành) là nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm trị vì. Quần thể di tích có quy mô tầm cỡ với những giá trị to lớn về lịch sử, kiến trúc.

1. Giới thiệu về Kinh thành Huế

Kinh thành Huế là tòa thành được triều đại nhà Nguyễn xây dựng để làm nơi đóng đô từ khi lên ngôi và trong suốt 143 trị vì (từ năm 1802 đến khi thoái vị năm 1945). Công trình cùng với những di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. 

1.1. Địa chỉ Kinh thành Huế

Kinh thành Huế tọa lạc phía Bắc sông Hương, trên địa phận của bốn phường: Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc thuộc thành phố Huế. Phía Nam tòa thành giáp với đường Trần Hưng Đạo, đường Lê Duẩn; phía Bắc giáp với đường Tăng Bạt Hổ, Đào Duy Anh; phía Đông giáp đường Phan Đăng Lưu, Huỳnh Thúc Kháng và phía Tây giáp đường Lê Duẩn. 

Địa chỉ Kinh thành Huế ở phía Bắc sông Hương, thuộc phường Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa, Thuận Lộc, thành phố Huế

1.2. Kinh thành Huế được xây dựng dưới triều đại nào?

Kinh thành Huế xây dựng năm nào? Kinh thành Huế được xây dựng dưới triều vua Gia Long. Năm 1803, vua Gia Long cho tiến hành khảo sát vị trí và khởi công xây dựng vào năm 1805. Công trình được hoàn thành vào năm 1832, dưới triều vua Minh Mạng. 

1.3. Kinh thành Huế được xây dựng như thế nào?

Kinh thành Huế là công trình có quy mô đồ sộ với sự tham gia thi công của hàng chục ngàn người và hàng triệu mét khối đất đá cùng khối lượng công việc khổng lồ như: lấp sông, đào hào, di dân, dời mộ, lấp thành. Thời gian đầu, tòa thành được đắp bằng đất và tiến hành xây gạch vào cuối đời vua Gia Long.

Kiến trúc công trình là sự kết hợp chặt chẽ của nguyên tắc kiến trúc truyền thống cùng triết lý phương Đông, thuyết âm dương ngũ hành Trung Hoa. Đặc biệt, thiết kế của Kinh thành Huế còn có sự ảnh hưởng từ kiến trúc quân sự phương Tây kiểu Vauban. Chính vì thế, công trình không chỉ có kiến trúc đẹp mắt mà còn có  ý nghĩa to lớn về phong thủy và quân sự.   

Ảnh Kinh thành Huế xưa với hàng trăm công trình lớn nhỏ được xây dựng trong gần 30 năm (Ảnh: sưu tầm)

2. Thiết kế độc đáo của quần thể di tích Kinh thành Huế

Kinh thành Huế tọa lạc bên bờ Bắc sông Hương, mặt hướng về phía Nam với tổng diện tích lên đến 520 ha. Mọi công trình kiến trúc trong tòa thành đều xoay mặt về hướng Nam để thể hiện ý nghĩa trong Kinh Dịch “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” (vua quay mặt về hướng Nam cai trị thiên hạ).

Kinh thành Huế được bao quanh bởi thành lũy có chu vi gần 10km, dày 21m, cao 6,6m. Vòng thành được xây khúc khuỷu và được bố trí những pháo đài cách đều nhau. Phía ngoài vòng thành là hệ thống sông và hào bao quanh với chức năng bảo vệ và giao thông đường thủy. Tòa thành có tổng cộng 10 cửa chính: 

1. Cửa Chính Bắc (cửa Hậu): nằm ở mặt sau Kinh Thành

2. Cửa Tây – Bắc (cửa An Hòa)

3. Cửa Chính Tây

4. Cửa Tây – Nam (cửa Hữu): bên phải Kinh Thành

5. Cửa Chính Nam (cửa Nhà Đồ)

6. Cửa Quảng Đức

7. Cửa Thể Nhơn (cửa Ngăn)

8. Cửa Đông – Nam (cửa Thượng Tứ)

9. Cửa Chính Đông (cửa Đông Ba)

10. Cửa Đông – Bắc (cửa Kẻ Trài)

Ngoài 10 cửa chính như trên, Kinh thành Huế còn có cửa Trấn Bình Môn và hai cửa bằng đường thủy là: Đông Thành Thủy Quan và Tây Thành Thủy Quan.

Sơ đồ Hoàng thành Huế với tổng diện tích lên đến 520 ha (Ảnh: sưu tầm)

3. Cấu trúc Kinh thành Huế

Cấu trúc bên trong Kinh thành Huế được chia thành hai khu vực chính là: Hoàng thành và Tử cấm thành. Hai khu vực được gọi chung là Đại Nội. Trong đó, Hoàng thành là khu vực thực hiện các lễ nghi, hoạt động chính trị quan trọng của triều đình và bố trí các điện thờ. Với Tử cấm thành, đây là nơi làm việc, sinh hoạt hàng ngày của vua và thân quyến. 

3.1. Hoàng Thành

Hoành thành là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế với hệ thống cung điện và hơn 100 công trình lớn nhỏ. Khu vực Hoàng thành có 4 cửa ở 4 mặt, trong đó, cửa chính được gọi là Ngọ Môn (nằm ở phía Nam). Dưới đây là một số công trình tiêu biểu thuộc khu vực Hoàng thành: 

  • Ngọ Môn: Như đã đề cập, đây là cổng chính dẫn vào Hoàng thành, nằm ở phía Nam và được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (năm 1834). Đây là nơi tổ chức các buổi lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên Tiến sĩ tân khoa) và lễ Ban Sóc (lễ ban lịch năm mới).
  • Điện Thái Hòa: Cung điện cùng với sân chầu (sân Đại Triều Nghi) là nơi thiết triều và diễn ra các nghi lễ quan trọng của triều đình như: lễ đăng quang, sinh nhật vua, tiếp đón sứ thần,… Ngai vàng của vua được đặt dưới bửu tán phía bên trong Điện Thái Hòa.
  • Các Điện Miếu: Khu vực các miếu thờ được bố trí phía trước và dọc hai bên trục của Hoành thành. Đây là nơi thờ tự tổ tiên và các vị vua nhà Nguyễn như: 
    • Triệu Tổ Miếu (Triệu miếu): Nơi thờ Nguyễn Kim (cha của chúa Tiên Nguyễn Hoàng)
    • Thái Tổ Miếu (Thái miếu): thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần
    • Hưng Tổ Miếu (Hưng miếu): thờ ông Nguyễn Phúc Luân và bà Nguyễn Thị Hoàn (cha mẹ của vua Gia Long) 
    • Thế Tổ Miếu (Thế miếu): thờ các vị vua nhà Nguyễn
    • Điện Phụng Tiên: thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn
  • Phủ Nội Vụ: Cơ quan chịu trách nhiệm cất giữ tài sản, vật dụng cho vua, hoàng gia và của công như: vàng ngọc châu báu, gấm vóc, tơ lụa, nhạc khí, vật cống tiến,… Nội vụ phủ còn giữ nhiệm vụ sản xuất vật dụng cho vua và nội cung sử dụng.
  • Vườn Cơ Hạ – Điện Khâm Văn: Đây là một trong năm vườn thượng uyển bên trong Hoàng thành Huế và là khu vực để các hoàng tử học tập, giải trí. 
  • Trường Sanh cung, Diên Thọ cung: Khu vực dành cho các Thái hoàng thái hậu (bà nội vua) và Hoàng thái hậu (mẹ vua).

Ngọ Môn – cổng chính dẫn vào Đại nội Kinh thành Huế (Ảnh: sưu tầm)

3.2. Tử Cấm Thành

Tử Cấm Thành nằm phía trong Hoàng thành và là khu vực trong cùng của Kinh thành Huế. Bên trong Tử Cấm Thành được chia thành nhiều khu vực với hàng chục công trình kiến trúc: 

  • Đại Cung Môn: Cửa chính dẫn vào Tử Cấm Thành
  • Điện Càn Thành: Nơi ở của vua 
  • Cung Khôn Thái: Nơi ở của các Hoàng hậu, Hoàng Quý phi
  • Duyệt Thị Đường: Nhà hát biểu diễn các vở tuồng cung đình phục vụ vua, hoàng thân và các quan đại thần, sứ thần,…
  • Thượng Thiện: Khu vực nấu ăn cho vua 
  • Viện Dưỡng Tâm, Thái Bình Lâu: Nơi vua nghỉ ngơi, đọc sách 
  • Điện Minh Quang: Nơi ở của các hoàng tử 
  • Điện Trinh Minh: Nơi ở của các phi tần
  • … 

Các công trình trong Tử Cấm Thành được xây dựng lộng lẫy với kiến trúc vàng son. Tuy nhiên, một số công trình này đã xuống cấp hoặc bị phá hủy do thời gian, thiên tai và chiến tranh.

Cảnh quan xanh mát bên trong Tử cấm thành thuộc Đại nội Kinh thành Huế (Ảnh: sưu tầm)

3.3. Các di tích trong Kinh thành Huế

Ngoài các công trình tiêu biểu thuộc Hoàng thành và Tử Cấm Thành, Kinh thành Huế còn bao gồm nhiều di tích có giá trị lịch sử to lớn như: Kỳ Đài, Quốc Tử Giám, Điện Long An, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm, Tàng thư lâu, Đàn Xã Tắc, Cửu vị thần công và các pháo đài,… 

Kỳ đài – di tích thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh và là nơi treo cờ của triều Nguyễn khi xưa (Ảnh: sưu tầm)

Bản Đồ Kinh Thành Huế

Trải nghiệm & khám phá Kinh Thành Huế