Bến Hải - Hiền Lương là một trong những con sông lớn của tỉnh Quảng Trị nằm dọc trên vĩ tuyến 17 từ Đông sang Tây trên bản đồ Việt Nam. Sông Bến Hải trước đây gọi là sông Minh Lương. Đến triều Nguyễn do huý chữ Minh nên đổi lại là Hiền Lương. Hiền Lương cũng là tên gọi của một làng quê ở ven bờ Bắc, nơi con sông được hợp lưu bởi sông Sa Lung và sông Bến Hải. Tên Bến Hải là do người Pháp viết trên bản đồ từ địa danh Bến Hai (Bến đò thứ 2) mà thành.

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải do thực dân Pháp xây dựng năm 1952, nối liền quốc lộ 1A ở km 735 phía Bắc (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh) với phía Nam (thôn Xuân Hoà, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) tỉnh Quảng Trị ngày nay. Còn di tích Đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải là hệ thống các di tích nằm tập trung ở hai bên cầu Hiền Lương - cây cầu bắc qua sông Bến Hải - Hiền Lương. Trục chính của quần thể di tích này nằm xuyên suốt theo hướng Bắc - Nam mà trung tâm chính là cây cầu Hiền Lương lịch sử - nhịp nối giữa Cột cờ phía Bắc và Cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất” ở bờ Nam.

Tháng 7/1954, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam giành thắng lợi, Hiệp định Genève về việc lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước được ký kết. Theo Hiệp định Genève, nước ta tạm thời chia làm hai miền Nam - Bắc, lấy Vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới quân sự tạm thời và sau 2 năm sẽ Tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam. Tuy nhiên, với âm mưu lập phòng tuyến hòng “ngăn chặn làn sóng cộng sản đang tràn uống Đông Nan Á”, sau Hiệp định đế quốc Mỹ đã dựng lên chính quyền tay sai thân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành một quốc gia riêng lẻ, đối đầu với miền Bắc, đi ngược lại nguyện vọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Phần đất đai và dân cư của huyện Vĩnh Linh (phía Bắc sông Bến Hải) thuộc miền Bắc xã hội chủ nghĩa được hoàn toàn giải phóng, còn toàn bộ bờ Nam sông Bến Hải thuộc chính quyền miền Nam. Từ đây, Vĩ tuyến 17 - giới tuyến quân sự tạm thời đã trở thành nỗi đau chia cắt đất nước Việt Nam trong suốt 21 năm.

Trong cuộc chiến giành thống nhất non sông, dòng sông Bến Hải - hai bờ Hiền Lương và cầu Hiền Lương là nơi diễn ra cuộc đấu tranh bền bỉ, liên tục và không kém phần ác liệt về chính trị, tư tưởng giữa hai bên. Cũng chính địa danh này đã phải chứng kiến sự hy sinh, mất mát và đau thương của biết bao người con, biết bao gia đình và cả dân tộc. Có lẽ ít địa danh nào trên thế giới như đôi bờ Hiền Lương - nơi mà cuộc chiến tranh đã diễn ra hết sức ác liệt dưới nhiều hình thức: Một cuộc đấu tranh lúc bằng trí lý, lúc bằng cả sự sống còn của con người dưới mưa bom bão đạn; một cuộc chiến đấu kéo dài 18 năm ròng (1954 - 1972) bằng đấu khẩu, đấu súng, bằng “chọi loa”, “chọi cờ”. Bởi vậy, nhà điện ảnh Thụy Ðiển Giô Rít Iven khi được chứng kiến đã thốt lên: “Vĩ tuyến 17 - nơi “trưng bày” sự man rợ đến tột cùng của đế quốc Mỹ và lòng dũng cảm đến mức thần thánh của nhân dân Việt Nam”. Lòng dũng cảm, ý chí son sắt của quân và dân vùng đất này nói riêng và truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam nói chung đã kết tinh, chứng minh trọn vẹn chân lý: “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất nhưng vô vàn sự kiện và chứng tích trên Vĩ tuyến 17 đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc. Sông Hiền Lương - Bến Hải đã để lại những bài học lịch sử và cũng mang trên mình nó hàng loạt những địa danh, tên đất, tên làng là những địa điểm lưu niệm tiêu biểu mang tầm Quốc gia. Hồ sơ công nhận di tích Quốc gia về “Khu vực đôi bờ cầu Hiền Lương - Bến Hải” định danh một khu vực nằm hai bên đầu cầu phía Bắc và Nam cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, trên Quốc lộ 1 với 4 di tích tiêu biểu, gồm:

  1. Cầu Hiền Lương; 
  2. Cột cờ Hiền Lương ở bờ Bắc; 
  3. Nhà Liên Hợp và đồn Công an Hiền Lương; 
  4. Hệ thống giàn loa phóng thanh. 

Bên cạnh đó, một số di tích dọc trên đôi bờ sông Hiền Lương cũng đã được công nhận Quốc gia và cấp Tỉnh như:

  1.  Bến đò Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh): QĐ số 2410/VH/QĐ ngày 27-9-1996 công nhận di tích Quốc gia của Bộ Văn hóa - Thông tin.
  2. Bến đò Cửa Tùng (Bến đò A, Thị trấn Cửa Tùng): QĐ Số  707/QĐ-UB ngày 12-7-1996 của UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp Tỉnh.
  3. Bến đò Lũy (Bến đò C, thôn Cổ Mỹ, xã Vĩnh Giang, huyện Vĩnh Linh): QĐ Số 2187/2004/QĐ-UB ngày 16-7-2004 của UBND tỉnh Quảng Trị  xếp hạng di tích cấp Tỉnh.
  4. Bến đò Thượng Đông, xã Vĩnh Sơn: QĐ số 707/QĐ-UB ngày 12-7-1996 của UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp Tỉnh.
  5. Đồn Công an Cửa Tùng (thị trấn Cửa Tùng): QĐ số 707/QĐ-UB ngày 12-7-1996 của UBND tỉnh Quảng Trị xếp hạng di tích cấp Tỉnh.

Từ sau ngày đất nước thống nhất (ngày 30 tháng 4 năm 1975), cầu Hiền Lương nói riêng và cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã trở thành điểm tham quan của du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Quảng trị hoặc trên hành trình thiên lý Nam - Bắc Việt Nam. Và ngày 30 tháng 4 hàng năm, tại cụm di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải tỉnh Quảng Trị đều tổ chức Lễ hội thống nhất non sông. Đây là lễ hội cách mạng đặc sắc, đặc trưng diễn ra duy nhất ở cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Lễ hội gồm nhiều nội dung hấp dẫn có ý nghĩa lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục, phát huy truyền thống đấu tranh vì khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Bản Đồ Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Trải nghiệm & khám phá Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải